1. Gắn bó với vùng cao, mỗi chiến sĩ Biên phòng đều hiểu bà con các dân tộc luôn cần cù chịu khó, nhưng thiếu nước sản xuất là bài toán chưa có lời giải, bởi nguồn nước hiện tại hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Mùa mưa năm nay đến muộn, đất khô trắng, khi mưa xuống đất ngấm nước mềm oặt, máy nông nghiệp chỉ quệt qua vài lượt là thành ruộng cấy. Theo thứ tự, ruộng nhà nào có nước ưu tiên làm trước, bà con đổi công cho nhau làm tập trung nên đông vui như hợp tác xã. Chẳng mấy chốc màu xanh lúa non phủ kín ruộng bậc thang như có phép màu kỳ diệu.
Đang say với cảnh đẹp núi rừng, mùi hương sen thoang thoảng giữa không gian thanh bình tạo cảm giác thật dễ chịu, Trung tá Hoàng Kim Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Leng Su Sìn chia sẻ: “Ai đến đây công tác cũng đều tấm tắc khen hồ sen đẹp nằm bên dòng Păng Pơi thơ mộng, anh em trong đơn vị cảm thấy rất tự hào. Giống sen này của bác Trần Văn Thọ mang từ dưới xuôi lên trồng đã mấy chục năm nay. Đây là món quà ý nghĩa dành cho đồng bào và chiến sĩ Tây Bắc”.
Nhìn sang bên kia đường, bức tượng bằng đá tạc người chiến sĩ Biên phòng với nhân dân Tây Bắc lồng lộng giữa trời xanh, lấy nguyên mẫu từ Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Thọ, người đầu tiên của lực lượng Bộ đội Biên phòng được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Thương hiệu Đồn 5 (Đồn Biên phòng Leng Su Sìn ngày nay) đã đi vào lịch sử cũng như hằn sâu trong tiềm thức biết bao thế hệ. Những năm 60 của thế kỷ trước, từ tỉnh lỵ, muốn vào Đồn 5 phải đi bộ mất cả tuần, vượt qua vài chục con suối, đèo dốc. Đường sá đi lại khó khăn, tập tục địa phương lạc hậu, đời sống thiếu thốn, bệnh tật tràn lan. Vào mùa mưa, vắt xanh, vắt đen bật tanh tách lẩn vào người hút căng máu, bám chặt vào da thịt.
Gian khổ là thế, nhưng đồng chí Trần Văn Thọ xung phong lên biên giới. Anh cùng với các lực lượng chức năng tiễu phỉ, rồi tiếp tục lặn lội vào rừng tìm dân, thuyết phục họ xuống vùng đất thấp hơn, thuận tiện cho việc đi lại cũng như chuyện làm nhà, dựng bản. Từ việc dạy chữ, chữa bệnh đến giúp đồng bào vùng cao biết làm ra hạt thóc như người dưới xuôi. Không những thế, đảng viên Trần Văn Thọ còn là người trực tiếp dìu dắt, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho nhiều quần chúng ưu tú. Những hạt giống đỏ ngày đó đã không ngừng tiến bộ, nhiều đồng chí trở thành cán bộ chủ chốt, uy tín lãnh đạo nhân dân địa phương.
Xông xáo, dám nghĩ dám làm, bước chân anh bộ đội Biên phòng Trần Văn Thọ rong ruổi khắp các bản xa xôi. Do làm việc nhiều, anh bị kiệt sức nhưng vẫn gắng gượng. Đến khi bệnh trọng, đồng đội dùng cáng tre băng rừng chuyển anh ra tuyến ngoài, song vừa đến đơn vị thì anh trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8-8-1961 khi mới 26 tuổi. Ngày đưa anh về với đất mẹ, bà con các bản làng kéo đến rất đông, từ người già, trẻ nhỏ không ai bảo ai, mọi người lặng lẽ mang theo viên đá từ dòng Păng Pơi, rồi xếp quanh khu mộ anh thành ngôi mộ đá để bày tỏ niềm tiếc thương về người con ưu tú của đồng bào Tây Bắc.
    |
 |
Tranh thủ lúc có nước, Bộ đội Biên phòng giúp nhân dân cấy lúa cho kịp thời vụ. |
2. Quốc lộ 4H chạy từ TP Điện Biên Phủ đến A Pa Chải như dáng con rồng vờn quanh núi, có đường thuận tiện, nhiều mô hình làm kinh tế hay được triển khai. Nếu trước kia nhận thức còn hạn chế, cho rằng rừng là nguồn tài nguyên vô tận, là của chung thì nay tư tưởng đã thông suốt. Sau khi có chủ trương đúng đắn của Đảng, ý thức người dân nâng lên, giữ rừng chính là giữ tài nguyên cho con cháu muôn đời sau. Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt, còn đất sản xuất thì bà con thỏa sức thâm canh, chủ trương của lãnh đạo huyện Mường Nhé là “không cho đất nghỉ” đã thành hiện thực, nhờ thế nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đồng thời giúp đỡ các hộ nghèo khác phát triển.
Ngôi nhà của mế Giàng Chừ De luôn có bóng dáng của Bộ đội Biên phòng, vừa nhìn thấy đồng chí quân y, giọng mế sang sảng: “Đi rừng về thấy cái lưng bị ngứa, bộ đội kiểm tra cho mế đi”. Nói rồi mế vén cái áo đang mặc lên, đồng chí quân y kịp ngăn lại. Mế ngứa ở lưng sao lại vén áo ngực? Mế cười hì hì bảo: "Ừ thì toàn người nhà mình mà". Mế Giàng Chừ De không chỉ quý mà còn biết ơn Bộ đội Biên phòng. Mấy năm trước, mế bị suy đường hô hấp, cảm giác như có bàn tay vô hình bóp nghẹt lồng ngực, nhà mời thầy cúng, nhưng cúng mãi mà bệnh đâu có thuyên giảm, trong lúc mặc kệ cho số phận thì may mắn gặp được cán bộ quân y. Bằng phương pháp khoa học, mế được điều trị tích cực, thế là mế thở được, ăn ngon, ngủ khỏe, vẫn lên nương, lội suối tốt.
Thương bộ đội vất vả, mế Giàng Chừ De động viên con trai là anh Sừng Sừng Giá phải hết lòng giúp đỡ. Thạo đi rừng từ nhỏ, lớn lên tham gia dân quân địa phương, năm 2006, anh Sừng Sừng Giá dẫn đoàn đi khảo sát xây dựng cột mốc, từ đó tới nay, anh luôn có mặt trong đội tuần tra bảo vệ mốc giới. Do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, có mốc phải đi bộ mất 3 ngày, 3 đêm, dựng lán ăn ngủ giữa rừng nhưng điều đó chẳng làm anh nhụt chí. Niềm vui và tình cảm của gia đình anh Sừng Sừng Giá với Bộ đội Biên phòng càng được gắn kết và nhân lên khi con trai anh thi đỗ Học viện Biên phòng, ra trường công tác tại Đồn Biên phòng A Pa Chải, toại nguyện ước mơ trở thành người lính quân hàm xanh bảo vệ biên cương.
3. Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn, đồng chí Trần Quyết Thắng sinh ra ở dưới xuôi, nhưng anh luôn dành tình cảm và tâm huyết cho vùng đất mới, đúng như lời anh tâm sự: “Văn hóa của người vùng cao rất độc đáo, con trai phải biết thổi kèn lá, kèn môi hay sáo trúc. Vào mùa xuân hay lễ hội, họ dùng âm nhạc để tỏ tình với người con gái mình yêu”. Không chỉ thổi sáo, người Hà Nhì còn múa xòe rất giỏi, xòe bày tỏ tình cảm lứa đôi, cũng là thể hiện độ dẻo dai của con người trong lao động sản xuất, bàn tay rắn chắc của người con trai đỡ người con gái ngả vào mình, rồi hai cơ thể uyển chuyển theo tiếng trống, tiếng chiêng như cánh chim tự do chao liệng, như con cá dưới suối vẫy vùng thỏa thích...
Với kho tàng văn hóa đặc sắc, chủ trương của xã không chỉ phát triển kinh tế, mà công tác bảo tồn văn hóa dân tộc luôn kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng. Đồng chí Chủ tịch UBND xã chia sẻ thêm: “Trước mắt động viên bà con phục dựng những ngôi nhà trình tường cổ, đồng thời sưu tầm những vật dụng trong sản xuất, săn bắn, hái lượm gắn liền với cuộc sống của đồng bào xa xưa”. Biết là khó, nhưng khi có sự đồng thuận của các cấp chính quyền và nhân dân thì mọi việc đều có thể làm được, anh Trần Quyết Thắng khẳng định.
Dáng núi nhấp nhô mềm như dải lụa, mây trắng bồng bềnh vẽ lên bầu trời xanh thẳm những hình thù tựa mái đình làng quê, thấp thoáng tà áo thổ cẩm cùng chiếc gùi quen thuộc xuống núi. Trên thửa ruộng cạnh đơn vị, các chiến sĩ cấy giúp bà con những bó mạ cuối cùng, nhìn bàn tay thoăn thoắt ấy, không nghĩ rằng bộ đội lại giỏi cấy lúa đến vậy. Đang mải tìm góc đẹp để chụp ảnh thì bất chợt có tiếng phụ nữ Hà Nhì cất lên, thấy ai cũng cầm vốc bùn non tiến lại rồi trát lên áo, lên người của khách, cùng với đó là tiếng cười giòn tan vang cả núi rừng. Đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì thấy các chiến sĩ xung quanh cũng lấm lem từ lúc nào. Đem chuyện này kể với các đồng chí công tác lâu năm tại địa bàn, các anh cười phá lên và bảo: “Phong tục người Hà Nhì là vậy, khi cấy lúa mà có người đi qua sẽ mưa thuận gió hòa, mang đến điều may mắn”. Nếu người lạ, họ dùng tay quệt 3 cái làm phép lên áo khách. Với bộ đội thì... chẳng chừa chỗ nào. Hóa ra cách thể hiện của phụ nữ Hà Nhì cũng thật đặc biệt, họ mà mến ai thì người đó sẽ lấm lem từ đầu đến chân, chỉ có mỗi cách là ra dòng Păng Pơi tắm mới hết. Chẳng biết thế nào, nhưng mùi bùn non ngai ngái lại nhớ ngày xưa, cái thời xách ấm nước chè, cái bát sắt cùng vài củ khoai luộc cho vào chiếc rổ tre mang ra đồng nơi có mẹ đang cấy-một cảm giác gần gũi, thân thương bất chợt ùa về.
Trăng trên đại ngàn như gần hơn, ánh trăng lấp ló trên cánh sen hồng nồng nàn mùi hương, thi thoảng có tiếng cá quẫy bắt mồi, bắn lên những tia nước như ánh bạc. Không gian bao la, nước thượng nguồn về nhiều, chảy ở những độ cao khác nhau tạo ra tiếng trầm bổng du dương như nốt nhạc. Lắng nghe trong gió dường như có cả tiếng kèn môi, tiếng sáo gọi bạn hòa trong tiếng suối reo, những viên đá cuội dưới dòng Păng Pơi chẳng biết có từ khi nào, nước chảy bào mòn lộ ra những hình hoa văn tuyệt đẹp, nhẵn bóng, mịn màng, mát lạnh như làn da thiếu nữ miền sơn cước.
Ghi chép của PHÙNG MINH