Ô nhiễm môi trường, các sự cố hóa chất, độc xạ, chất độc tồn lưu sau chiến tranh... là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Là nơi đào tạo cán bộ, nhân viên hóa học từ trình độ sơ cấp đến đại học, những năm qua, Trường Sĩ quan Phòng hóa luôn quán triệt và thực hiện tốt phương châm "Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, từng bước thực hiện chuẩn hóa nội dung, chương trình, quy trình đào tạo, đổi mới theo hướng “tinh giản, hiện đại, thiết thực” gắn nhà trường với đơn vị.

Bát mồ hôi trong bộ khí tài

Gần trưa, trên thao trường, học viên lớp ĐK 25, Trường Sĩ quan Phòng hóa đang say sưa huấn luyện. Chỉ vào bộ khí tài các học viên đang tập luyện, Trung tá Phùng Như Hải, Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Xe máy Hóa học vui vẻ nói: “Bộ khí tài là người bạn thân thiết nhất của Bộ đội Hóa học. Bởi mỗi khi có tình huống liên quan đến môi trường thì ngoài kiến thức, Bộ đội Hóa học cần có đầy đủ trang bị, khí tài để thực thi nhiệm vụ".

Cầm lên đưa chúng tôi xem, anh Hải giới thiệu, bộ khí tài được làm bằng vật liệu gần giống cao su. Khi mặc, bộ đội gần như cách ly tuyệt đối với môi trường bên ngoài. Không khí được làm sạch thông qua hộp lọc nên thở cũng phải chịu một trở lực lớn hơn bình thường. Với người chiến sĩ phòng hóa, mặc khí tài là một kỹ năng, tiêu chí cơ bản đánh giá năng lực. Vì mỗi khi có tình huống chất độc thì trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, Bộ đội Hóa học đều phải mặc bộ khí tài nhanh nhất có thể.

Nói rồi, anh Hải mời chúng tôi tham quan học viên chuẩn bị thực hành nội dung mặc khí tài. Khẩu lệnh “mặc khí tài” vừa dứt, đồng loạt các học viên như những nghệ sĩ biểu diễn, cởi bỏ các loại trang bị, rồi bung bộ khí tài ra và thao tác mặc rất nhanh chóng. Chưa đầy 2 phút, chúng tôi đã nghe thấy các học viên vỗ tay thông báo hoàn thành động tác mặc khí tài. Tận mắt chứng kiến, chúng tôi bày tỏ sự khâm phục bởi với 6 loại trang bị, khí tài, gồm rất nhiều dây buộc, lại phải mặc bộ khí tài trùm kín người, đeo mặt nạ, găng tay cao su, nhưng các học viên chỉ mất chưa đầy 2 phút đã hoàn thành. Với bộ khí tài số 2 có dải cài, thời gian mặc đạt giỏi là 3 phút. Nhưng hầu hết học viên sĩ quan chỉ mất khoảng 2 phút là đã hoàn thành. Có đồng chí chỉ mặc trong 1 phút 30 giây. 

 Mặc khí tài giỏi nhưng cách rèn luyện thể lực của học viên với khí tài cũng rất đặc biệt. Trời đang nắng, chúng tôi vẫn thấy học viên mang khí tài ra chạy. Đại úy Lê Văn Long, Đại đội trưởng Lớp ĐK 25 cho biết: "Thường thì sáng thứ bảy hằng tuần, các tiểu đoàn sẽ tổ chức cho học viên vận động rèn luyện khí tài. Buổi chạy khí tài được tổ chức rất bài bản".

Chứng kiến một buổi rèn luyện khí tài chạy 3km của Lớp ĐK 25, thấy các học viên trong bộ khí tài kín mít, đeo mặt nạ phòng độc nỗ lực trong từng bước chạy mà chúng tôi cảm giác như ngộp thở. Vậy mà, sau gần 30 phút, 100% quân số rèn luyện đã về đích an toàn. Thượng sĩ Thiều Quang Vinh là người cán đích đầu tiên. Cởi bộ khí tài ra, người Vinh ướt như vừa giội nước. Khi Vinh dốc ngược bộ khí tài lên, nước chảy ra thành dòng. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, Vinh cười vui vẻ: "Mỗi buổi chạy như vậy, mồ hôi của chúng tôi đổ ra phải tính bằng bát".

Vừa hỏi thăm, động viên học viên, Đại úy Lê Văn Long vừa cho chúng tôi biết: "Để rèn được sức chịu đựng như vậy phải rất vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại. Ban đầu, học viên làm quen với khí tài, mặc khí tài chạy, không đeo mặt nạ. Dần dần, đeo mặt nạ, không mặc khí tài chạy. Khi các học viên đạt đến mức độ thể lực nhất định thì mới cho rèn toàn bộ. Có rèn luyện như vậy, sau này ra trường trên các cương vị công tác, học viên mới đủ thể lực để hoàn thành nhiệm vụ. Trong thực tế, có lúc Bộ đội Hóa học phải tiêu tẩy chất độc cho một trận địa pháo hoặc khu vực ô nhiễm rộng lớn trong hai đến ba giờ đồng hồ với rất nhiều máy móc, trang bị. Nhớ lại lần đầu chạy khí tài cách đây gần hai chục năm, anh Long cũng bị choáng phải bỏ mặt nạ giữa chừng. Biết thể lực chưa đủ nhưng anh Long hạ quyết tâm rèn luyện cho bằng được, không để nỗi sợ hãi ám ảnh trong suy nghĩ. "Khi làm nhiệm vụ, chúng tôi phải thường xuyên tiếp xúc với các loại chất độc không màu, không mùi, không vị. Vì vậy, sự dũng cảm là chưa đủ mà cần phải có kiến thức, kỹ năng, trình độ, sức khỏe để làm chủ các trang bị, khí tài”, anh Long chia sẻ.

leftcenterrightdel

Đại tá Hoàng Văn Hoán, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Phòng hóa (ngoài cùng, bên phải) kiểm tra học viên huấn luyện trên thao trường. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Huấn luyện sát thực tế chiến đấu và làm nhiệm vụ

Đang đứng nói chuyện với Đại úy Lê Văn Long, chợt có bàn tay vỗ nhẹ vào vai tôi. Thì ra đó là Trung tá Lê Ngọc Minh, Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Chiến thuật, Trường Sĩ quan Phòng hóa. Trước đây tôi và anh Minh đã có thời gian công tác gắn bó ở Lữ đoàn 87, Binh chủng Hóa học. Bắt tay tôi, anh Minh nói: "Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó trước sự cố môi trường, nhà trường yêu cầu phải tổ chức huấn luyện sát thực tế. Để hiểu rõ hơn, tối nay mời anh tham quan một buổi huấn luyện đêm".

19 giờ 30 phút, chúng tôi có mặt tại thao trường, anh Minh nêu tình huống: “Đêm ngày N, tại khu vực điểm cao A, cách trận địa pháo binh của ta 500m về phía Tây, địch tập kích vũ khí hóa học... Cấp trên lệnh Trung đội 1 nhanh chóng tiêu tẩy”. Lớp học nhanh chóng phân chia thành các phân đội luyện tập. Trong điều kiện đêm tối, địa hình không bằng phẳng, phải triển khai nhiều thiết bị phức tạp, di chuyển khó khăn bởi bộ khí tài kín toàn thân nhưng Trung đội tiêu tẩy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn.

Kết thúc tình huống, cởi bộ đồ khí tài ra khỏi người, bộ quân phục của Thượng sĩ Vi Mạnh Khoa ướt sũng. Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, Khoa cho biết, làm nhiệm vụ ban đêm, khi mặc bộ khí tài, hơi thở làm mờ kính mắt khiến tầm nhìn hạn chế, khó thực hiện nhiệm vụ. Nhưng nhờ được hướng dẫn, luyện tập kỹ lưỡng, nhất là cách điều tiết khí thở để không gây mờ kính nên giúp học viên sử dụng thành thạo khí tài trong điều kiện đêm tối.

Sau khi rút kinh nghiệm với kíp tập, anh Minh nói với chúng tôi: “Huấn luyện đêm là nội dung khó, đòi hỏi kỹ năng sử dụng khí tài thành thạo và sự linh hoạt trong xử trí các tình huống. Đã trải qua thực tế khi tham gia xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh ở sân bay Biên Hòa và sân bay Đồng Nai nên khi huấn luyện học viên, chúng tôi chú trọng truyền thụ cho họ những kiến thức, kinh nghiệm thực tế thường không có sẵn trong giáo trình, tài liệu”.

Những kinh nghiệm anh Minh tích lũy được và truyền lại cho học viên rất quý giá, bởi trước khi về trường làm giảng viên, anh đã có nhiều năm công tác tại đơn vị cơ sở, trực tiếp tham gia dự án tẩy rửa chất độc ở sân bay Biên Hòa. Tại đây, anh cùng đồng đội tham gia xử lý chất độc dioxin tồn lưu sau chiến tranh. Mỗi ngày các anh phải thay ca làm liên tục 9, 10 giờ đồng hồ. Mỗi ca 60 phút, nghỉ 30 phút để lấy lại sức. Để kịp tiến độ tránh mùa mưa, các anh phải tranh thủ làm cả ban đêm. Thấu hiểu sự gian khổ, nguy hiểm khi thực hiện nhiệm vụ khắc phục sự cố hóa học luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sức khỏe lâu dài nên khi trở về trường làm giảng viên, anh Minh luôn nghiên cứu xây dựng các tình huống, phương án sát thực tế, chú trọng huấn luyện cho bộ đội kỹ năng xử lý chất độc và cách bảo vệ bản thân.

Trước khi chia tay cán bộ, học viên nhà trường, chúng tôi gặp Đại tá Hoàng Văn Hoán, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Phòng hóa. Trò chuyện về việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, anh Hoán cho biết, những năm gần đây, sự cố hóa chất, độc xạ, hay cháy nổ xảy ra gây thiệt hại ngày càng lớn. Trước những nguy cơ đó, Bộ đội Hóa học luôn đi đầu thực hiện nhiệm vụ xử lý, khắc phục hậu quả. Là cơ sở đào tạo cán bộ, nhân viên hóa học cho toàn quân, nhiều năm nay, nhà trường đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện phương châm "Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Từ việc triển khai đồng bộ các chủ trương, biện pháp huấn luyện sát thực tế chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội Hóa học nên chất lượng giáo dục và đào tạo ở Trường Sĩ quan Phòng hóa không ngừng được nâng cao, bảo đảm học viên ra trường thực hiện tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

HÀ AN