Sức mạnh từ "liều thuốc" tinh thần

Trong quá trình tác nghiệp tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, chúng tôi được Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh cho biết, hầu hết bệnh nhân ở đây đều bỏng rất nặng, chi phí điều trị lớn nên rất cần sự hỗ trợ giúp đỡ của các mạnh thường quân. Đến nay, có những bệnh nhân sau khi được chữa khỏi bệnh ở khoa, trở về cuộc sống đời thường, họ vẫn tiếp tục giữ mối liên hệ, giúp đỡ trực tiếp hoặc kêu gọi tài trợ để chữa trị cho các bệnh nhân nặng, đó là nghĩa cử cao đẹp.  

leftcenterrightdel

Anh Vũ Thế Biểu (thứ hai, từ trái sang) tham gia nhóm thiện nguyện quyên góp tiền hỗ trợ bệnh nhân bỏng. Ảnh do nhân vật cung cấp

Qua lời giới thiệu của bác sĩ Minh, chúng tôi liên hệ với anh Vũ Thế Biểu, nhóm trưởng, khu vực Cẩm Phả, câu lạc bộ Ngân hàng máu sống Quảng Ninh, thành viên nhóm từ thiện Quảng Ninh thân yêu. Năm 2016, do bất cẩn, anh Biểu bị bỏng xăng rất nặng, tổn thương 58% cơ thể. Khi được người thân đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, anh Biểu đã bị nhiễm khuẩn, suy hô hấp phải đặt nội khí quản. Anh Biểu nhớ lại: “Lúc đó tôi luôn trong trạng thái lúc tỉnh, lúc mê. Mỗi lần mở mắt ra tôi đều thấy bóng dáng áo trắng bên cạnh. Băng gạc quấn quanh người, tay và chân được gá đỡ treo lên tránh tiếp xúc rộng xuống mặt giường, gây viêm loét, hoại tử. Nhiều lúc tỉnh táo tôi nghĩ, mình không qua khỏi”. “Tuyệt vọng” không chỉ là suy nghĩ của anh Biểu mà còn là suy nghĩ của cả những người thân chăm sóc anh.

Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh kể lại, tình trạng thương tật của anh Biểu thời điểm đó rất nặng, cả Khoa Hồi sức cấp cứu đều lo lắng. Người nhà anh Biểu cũng đã tính và lo phương án trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Cơ hội sống sót của anh Biểu có lúc chỉ còn vài phần trăm. Tuy nhiên, với tâm lý còn nước còn tát, hằng ngày, hằng giờ, đội ngũ y, bác sĩ của khoa vẫn luôn túc trực, chăm sóc, động viên anh.

Đến giờ khi nghĩ lại, anh Biểu vẫn rất xúc động: "Mỗi lần thay băng, bôi thuốc, tắm rửa cho mình phải cần đến 4, 5 điều dưỡng, thực hiện liên tục trong hàng giờ đồng hồ. Công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận, tốn rất nhiều công sức và khó nhọc, nhưng các y, bác sĩ luôn vui vẻ, động viên làm tinh thần mình ngày càng tốt hơn".

Chính liều thuốc tinh thần của đội ngũ nhân viên y tế đã giúp anh Biểu dần xóa mặc cảm, tự ti, tiêu cực. Băn khoăn vết sẹo quá lớn không thể hồi phục, làm gánh nặng cho người thân khiến anh càng thêm cố gắng cùng các bác sĩ vượt lên hoàn cảnh. 6 tháng nằm viện, sau nhiều lần phẫu thuật ghép da, cuối cùng kỳ tích đã đến, sức khỏe của anh Biểu phục hồi rất tốt. Anh Biểu được xuất viện.

Ngày đầu trở về nhà, sức khỏe còn yếu, người thân phải hỗ trợ anh Biểu việc sinh hoạt cá nhân như tắm rửa, ăn uống... còn các y, bác sĩ Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác vẫn thường xuyên giữ liên lạc, tư vấn, hỗ trợ anh tập luyện phục hồi chức năng, động viên về mặt tinh thần từ xa. Điều đó làm anh thấy thật trân quý và cảm động.

Anh Biểu xúc động nói những điều gan ruột: “Cận kề với cái chết, tôi mới hiểu giá trị của sự sống quý giá đến nhường nào. Tôi nói với vợ con luôn phải biết ơn các y, bác sĩ đã hồi sinh sự sống cho mình và phải làm nhiều việc thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn để tri ân cuộc sống”.

Nói rồi anh Biểu cho tôi xem Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện, giấy ghi nhận tấm lòng nhân ái, thư cảm ơn và cả những phiếu thanh toán viện phí... Anh nói: “Sức khỏe của tôi hiện nay phục hồi khá tốt. Tôi xin làm bảo vệ cho một công ty với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng”. Thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống thường nhật, hoàn cảnh gia đình bình thường nhưng anh Biểu rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Từ khi ra viện đến nay anh đã 10 lần hiến máu tình nguyện. Năm 2018, một hôm anh đang làm việc thì nhận được cuộc điện thoại của thành viên trong Câu lạc bộ ngân hàng máu sống Quảng Ninh thông báo có một bệnh nhân nữ bị tổn thương mất máu nhiều, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, cần tiếp máu khẩn cấp. Ngay lập tức, anh Biểu xin nghỉ buổi làm, tới bệnh viện hiến máu cho bệnh nhân. Nhờ có sự giúp đỡ kịp thời của anh Biểu, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, đến nay sức khỏe đã phục hồi.

Anh Biểu kể, trước khi bị tai nạn, anh cũng đã tham gia nhiều nhóm thiện nguyện. Giúp được những người hoạn nạn là động lực to lớn để anh thêm yêu cuộc sống. Từ năm 2018 đến nay, anh Biểu cùng các nhóm thiện nguyện đã vận động được hàng trăm triệu đồng hỗ trợ các bệnh nhân bị bỏng. Không chỉ vậy, là người đã bị bỏng nặng, anh rất hiểu những di chứng do bỏng để lại. Vì vậy, không chỉ giúp đỡ về vật chất, anh còn thường xuyên gọi điện, động viên, hướng dẫn những người bị bỏng nặng tập luyện và hòa nhập với cộng đồng. Thông qua anh Biểu, chúng tôi liên hệ với một số người bị bỏng nặng được anh giúp đỡ, có người phải tháo khớp hai bàn tay. Khi trò chuyện, tôi cảm nhận được sự lạc quan, một mạch nguồn sống đẹp, tương thân tương ái của những người bệnh được tái sinh đang âm thầm lan tỏa trong cộng đồng.

Mong giúp đỡ được nhiều người

Khi chúng tôi liên hệ với chị Vũ Thị Bích Liên, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, chị cho biết: “Đã 5 năm trôi qua, tôi sống trong nỗi ám ảnh u tối. Rất may, được sự động viên thường xuyên của các y, bác sĩ và mọi người nên đến nay tôi thấy tâm mình đã chuyển biến tích cực hơn và mong muốn làm được nhiều việc thiện giúp đỡ mọi người”. Câu chuyện buồn của chị Liên bắt đầu từ một mối tình mà theo cách gọi của chị là u mê, dại dột. Học năm thứ hai một trường đại học, chị bỏ ngang lấy chồng bất chấp sự phản đối của gia đình. Lấy nhau được một thời gian, cuộc sống trở nên khó khăn, vất vả. Những cuộc cãi vã của vợ chồng chị diễn ra thường xuyên. Năm 2018, đỉnh điểm trong một lần tranh cãi, chồng chị dùng chính can xăng dự trữ trong nhà, tạt lên người chị và châm lửa. Chị Liên xót xa nhớ lại: “Sẽ chẳng có một ai hình dung được cảm giác toàn thân mình bốc cháy. Khi đó, tôi không còn cảm giác, trong lòng chỉ là nỗi ân hận đỉnh điểm, lời xin lỗi muộn màng tới bố mẹ”.

leftcenterrightdel

Anh Vũ Thế Biểu khi bị bỏng nặng được điều trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác. 

Đưa vào Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cấp cứu, chị Liên được chẩn đoán bỏng đến 80%, cơ hội sống sót chỉ còn 10%. Những ngày đầu trong trạng thái hôn mê, chị chỉ nhớ rằng mọi người đến thăm mà không thể nói được, chỉ có những giọt nước mắt lăn dài. Sự đau đớn về thể xác mỗi khi thay băng hằng ngày, mùi tanh của máu, mùi hôi của những vùng thịt hoại tử đã đẩy chị vào hố sâu tuyệt vọng. Chị chỉ muốn buông xuôi và cầu xin sự giải thoát sớm nhất có thể. Theo lời kể của các bác sĩ, có lần, chị Liên được đưa lên bàn phẫu thuật nhưng chị cáu gắt, giãy giụa không hợp tác làm ca phẫu thuật phải hủy bỏ. Những lần như vậy, chị đều được các y, bác sĩ, bố mẹ ân cần động viên, ngày đêm thay nhau chăm sóc. Cộng với sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, những lá thư của bạn bè gửi đến, đã vực dậy tinh thần của chị. Trải qua 7 lần phẫu thuật, chị được sống lại một lần nữa.

Nhớ lại 6 tháng nằm viện, đi từ hố tử thần để trở về với cuộc sống, động lực giúp chị Liên vượt qua chính là nhờ tình thân, đặc biệt là sự tận tâm, chăm sóc của đội ngũ y, bác sĩ. “Tôi biết ơn các y, bác sĩ-những người đã cho tôi sống lại một lần nữa. Lúc tôi buông xuôi, mọi người đã khuyên giải. Lúc tôi mất đi phương hướng, mọi người đã định hướng. Khi tôi bị nhiễm trùng máu, tưởng như sự sống là 0%, các y, bác sĩ đã rất vất vả để tìm ra cách điều trị, ngày nào cũng vào phòng bệnh để hỏi han tôi thế nào, có đau không. Mỗi lần thay băng, đi tắm, tôi đều kêu gào bác sĩ tiêm giảm đau gây mê. Mọi người luôn ân cần động viên để tôi yên tâm” - chị Liên xúc động nhớ lại trong nước mắt.

Giờ đây, nhìn lại những gì đã qua, chị Liên luôn cảm thấy bản thân thật may mắn, chị tâm sự: "Ông trời không lấy hết của ai thứ gì". Sau chông gai, hiện tại cuộc sống của chị khá ổn. Chị dần chấp nhận với việc sống chung với sẹo, thích nghi với nó và đang từng ngày gạt bỏ đi cái nhìn của những người xung quanh, từ bỏ sự tự ti đang hiện hữu. Thời gian trôi đi, chị Liên quyết định lựa chọn ngành học mới cho bản thân và hiện tại đang là dược sĩ. Với chị, công việc hiện tại có thể chăm sóc bản thân và giúp đỡ được nhiều người. Đó là cách để chị cảm ơn các y, bác sĩ và tiếp tục cuộc sống đầy ý nghĩa của mình.

Trong cuộc sống, những người bị hoạn nạn, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc như anh Biểu, chị Liên... được tái sinh nhờ các y, bác sĩ tận tình cứu chữa. Khi họ ở giữa lằn ranh sinh tử, họ mới thực sự cảm nhận được tận cùng tấm lòng, y đức và sự hy sinh vất vả của các y, bác sĩ đối với bệnh nhân. Hành trình thầm lặng mang lại sự sống của các y, bác sĩ chính là nét văn hóa, nghĩa cử cao đẹp cần được tôn vinh, trân trọng...

VĂN TUẤN - HẢI LÝ - HẢI ANH