Một buổi chiều năm 2017, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra cuộc gặp mặt của sinh viên lớp 31A, khóa 13 (1968-1972), Khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ và 45 năm sinh viên khóa 13 tốt nghiệp ra trường. Dịp này cũng là kỷ niệm 45 năm những chàng trai ưu tú, đồng môn với họ, đã mãi mãi dừng lại ở tuổi 20 trong những tháng năm rực lửa tại chiến trường Quảng Trị. Buổi lễ kết thúc, chị Phạm Đức Lý (nguyên giáo viên môn Vật lý, Trường Đại học Hà Nội, hiện nghỉ hưu ở thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) đã từ Thành phố mang tên Bác về thẳng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9-nơi có các bạn của chị yên nghỉ. Lễ viếng các bạn hôm ấy, chị mang theo bài thơ "Những bông hoa tặng bạn".

Lý thay mặt con gái K13/ Mang hoa ra thăm bạn/ Hoa phong lan là cái Nhã/ Bông hồng vàng là Triệu Kim Thanh/ Bông ngọc lan trắng muốt, thơm, xinh/ Là cái Lan-Khâm Thiên đó/ Cái Sướng, vợ anh Đạo, vẫn đi làm, nó gửi vội hoa loa kèn đỏ/ Hoa chanh trắng, thơm, dịu dàng, nho nhỏ/ Là Nguyễn Thị Thường-Lý Sinh/ Thủy chung màu tím hoa sim/ Là cái Thu, vợ Tuyên, chăm chồng nhất khóa/ Cái Oanh-Gia Lâm là cúc đại đóa/ Chị Oanh Bộ gửi bạn hoa lộc vừng chỉ nở về đêm/ Chị Trinh tặng bạn hoa loa kèn/ Trắng, thơm dịu, vào tháng Tư mới có/ Doanh Bình vợ Ngô Bình, vẫn ở Hải Phòng, là hoa phượng đỏ/ Đựng ở giỏ xe, mùa hè... rơi rơi.../ Đóa phù dung, chưa nghiêng nước nhưng nghiêng cả mặt trời/ Là của Huỳnh Dung, cô bạn xinh nhất khóa/ Cái Mai tặng bạn nhành hoa lạ-hoa thiên vương, nó ở tận Mỹ mà/ Cái Bạch chẳng nói gần xa/ Nó tặng hoàng lan (quê nó gọi là hoa trập trội)/ Luận-vợ Phúc, vất vả, lúc nào cũng vội/ Tặng bạn hoa cẩm tú cầu tròn trịa nhưng không lăn/ Chị Thủy vợ anh Cường là hoa tím bằng lăng/ Cứ-đã xuống đồng bằng, tặng bạn hoa mua/ Chị Vân điệu đà, đâu chịu thua/ Chị chăm đi chùa, tặng bạn hoa sen/ Cái Thùy tặng bạn hoa hồng đen/ Cái Oanh vợ Thành tặng bạn hoa ly/ Cái Pha duyên dáng nhất nhì/ Tính hơi cầu kỳ lại thích hoa thông/ Cái Hạnh lặng lẽ, kín đáo, "hư không"/ Nó tặng bông hồng biểu tượng tình yêu/ Hoa Acacia Pycnanha rực rỡ trong nắng chiều/ Là của cái Trinh từ xứ sở Kangaroo đó!
Hoa thiên lý năm cánh xanh vàng, nho nhỏ/ Trong mơ, thoảng đôi lần, tôi muốn nấu canh/ Ông trời phạt tôi tính khí đành hanh/ Không cho bạn làm lành, dù biết bạn lỡ tay/ Để đến giờ... lòng cứ dứt day.../ Ừ... Mà thôi.../ Bạn đã dặn: "Đừng tiếc nuối..."/ Chúng tớ nghe lời, để làm tiếp việc dở dang/ Nghĩa trang Đường 9... "gió núi, mưa ngàn".../ Yên nghỉ nhé! Bạn và đồng đội...

leftcenterrightdel

 Chị Phạm Đức Lý trước mộ liệt sĩ Phạm Mạnh Hùng ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị), năm 2017.  Ảnh do nhân vật cung cấp

Bài thơ-lễ viếng độc đáo ấy được đọc lên thủ thỉ, như người viếng mộ và liệt sĩ trò chuyện với nhau. Ẩn trong đó là cảm xúc mãnh liệt về tình bạn thời sinh viên đẹp như trăng rằm, lòng biết ơn liệt sĩ đến quặn thắt và tình yêu Tổ quốc vô bờ bến.

Trong bài thơ, mỗi tên hoa gắn với một người con gái-24 cô gái cùng lớp đại học với các anh ngày xưa. Sau khi nêu 23 loài hoa, khổ thơ sau cùng dành cho hai người, người tặng hoa-tên Lý và người dưới mộ-tên Hùng: Hoa thiên lý năm cánh xanh vàng, nho nhỏ/ Trong mơ, thoảng đôi lần, tôi muốn nấu canh/ Ông trời phạt tôi tính khí đành hanh/ Không cho bạn làm lành, dù biết bạn lỡ tay/ Để đến giờ... lòng cứ dứt day...

Chuyện là, trong một tổ sinh viên thuộc lớp 31A hồi ấy, có tổ trưởng Phạm Mạnh Hùng quê Thanh Hóa, bên dòng sông Chu. Tổ trưởng đẹp trai, thông minh và đầy trách nhiệm, làm cho các tổ viên rất cảm phục. Riêng nữ sinh Phạm Đức Lý (cựu học sinh lớp Toán đặc biệt khóa 1965-1968, khối cấp III của tỉnh Quảng Bình) thì thể hiện sự mến phục tổ trưởng Hùng với phong cách vừa dễ gây ấn tượng tốt đẹp, lại cũng vừa dễ gây "bực mình" cho tổ trưởng. Là bởi cái nết “đành hanh” (như chị thú nhận). Cũng bởi thế nên suốt thời gian 1968-1970 (khi đó trường sơ tán ở Đông Anh, TP Hà Nội để tránh máy bay Mỹ đánh phá), họ cùng học: Những "phương trình Toán Lý"/ Những "chu trình Các Nô"/ Những "tập mở", "tập mờ"/ (Đến "tập đóng" thì bạn đóng luôn sách vở để đi ra trận)... mà không một lần nắm tay, chưa một lần nhìn vào mắt nhau nông sâu, “Chỉ rặt cãi nhau” bởi “những chuyện không đâu”!

Một lần, điều “oái oăm” đã xảy ra: Tổ trưởng Hùng, từ chỗ “bực mình” trước cái “đành hanh” (có phần nũng nịu) của Lý, đã cốc đốt ngón tay trỏ vào trán chị. Không ngờ, ý định “chỉ cốc nhẹ cho mà nhớ” từ nơi anh tổ trưởng nghiêm nghị lại chuyển thành cái sự “bạn cốc tui đau!” nơi cô sinh viên “đành hanh”! Và... Lý khóc rấm rứt, bỏ về Hà Nội...

Sáng 24-8-1970, Tổ trưởng Phạm Mạnh Hùng cùng các bạn nam sinh viên trúng tuyển nhập ngũ, sau lễ tiễn đưa, lên xe ô tô đáp lời tiền tuyến gọi. Người đi, người tiễn, tưng bừng, bịn rịn... Miền cảm xúc trào dâng từ vô vàn cung bậc tâm trạng. Nữ sinh Phạm Đức Lý, giữa lúc ấy đang còn “hờn giận” ở Hà Nội, bỗng nhiên mặt thất sắc, rồi hốt hoảng đạp xe đi... Nhưng lỡ mất rồi. Đoàn sinh viên-tân binh đã dần khuất xa mái trường sơ tán, đi về phương Nam. Lý ngậm ngùi, không kịp nói lời tạm biệt người tổ trưởng khả ái và đáng kính... Về sau, cô cũng không phải là cô gái chia hoa tại sân ga trong ngày chiến thắng như cảnh trong phim "Khi đàn sếu bay qua" (Летят жyравли, điện ảnh Liên Xô sản xuất năm 1957) mà hai người từng xem khi còn ở Hà Nội.

Chiến tranh dần lùi xa. Năm 1996, cựu sinh viên khóa 13 họp mặt lần đầu trong dịp kỷ niệm 40 năm Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chị lặng lẽ... lặng lẽ tìm anh... Linh tính cho chị biết điều xấu nhất đã xảy ra. Và khi có một câu trả lời: "Hình như nó đã hy sinh..." thì tim chị đau thắt trong niềm hy vọng le lói, xót xa: Bạn lạc đâu đó?/ Bạn không nhớ đường quay lại? [...] Về đi bạn! Cả khóa 13 sẽ đi ra đó/ Lũ con gái chúng tôi ôm hoa chạy đến trước tiên/ Bạn ở đâu? Internet đã gắn kết bao miền/ Bạn ở đâu? Hãy kết nối đi...

Người tổ trưởng đáp lại, như từng tiếng, từng lời vang vang trong đầu chị: Ừ! Tớ "kết nối" đây!/ Nghĩa trang Quốc gia Đường 9/ Khu mộ Thanh Hóa B103/ Tớ ra đi trong một buổi chiều tà/ Ngày 23 tháng 4 năm 1972 đó/ Trận ấy Mạc Yên (bạn học cùng vào chiến trường) đã viết rõ, trong "Người chưa thành thi sĩ" đó mà/ Ừ... Tớ đã nhìn thấy hoa/ Của các bạn gái K13 mang ra đón tớ/ Cả hoa của Mạc Yên và các bạn đặt lên mộ/ ("Mỗi lần đến nghĩa trang").

Tớ nằm đây, gió núi, mưa ngàn/ Xung quanh là đồng đội.../ Thôi đừng tiếc nuối.../ Việc của người ở lại cũng còn nhiều/ Chúng tớ chỉ làm được có bấy nhiêu/ Phần còn lại... các bạn làm thay nhé. ("Hãy kết nối đi"-thơ của Phạm Đức Lý).

Từ đó trở đi, nỗi nhớ thương người tổ trưởng trong lòng chị ngày càng thêm khắc khoải, nhất là vào dịp tháng Tư-tháng khải hoàn và cũng là tháng anh mãi mãi khuất xa. Tháng 4-2021, chị đã viết: Chung vui cùng các bạn/ “Tháng Tư về... trả anh lại cho em”(thơ Nguyễn Nhã)/ Chia sẻ cùng các bạn/ Sao anh mãi chưa về.../ Mình cũng thế/ Cứ ngóng chờ mãi thôi/ Người lính ấy đã “Mãi mãi tuổi hai mươi” rồi/ Sao tôi vẫn trông đợi/ Để nói một câu thôi/ “Mình hết giận lâu rồi”.

Tiếp sau lễ viếng với bài thơ “Những bông hoa tặng bạn” độc đáo cuối năm 2017, lại vẫn đều đặn như trước đó, mỗi năm một lần, chị Lý có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 để thắp hương cho anh Hùng và các liệt sĩ. Hôm mới rồi, chị gọi tôi, giọng ngậm ngùi: “Hai năm nay, đại dịch Covid-19 hoành hành, chị không vào thăm anh và đồng đội của anh được. Phải đợi yên hàn rồi mới đi được. Cậu ạ!”...

PHẠM XƯỞNG