Nhà xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh là đơn vị khá uy tín trong ngành xuất bản Việt Nam, có số lượng sản phẩm xuất bản lớn, chất lượng cao. Tuy nhiên, từ khi các ấn phẩm xuất bản điện tử ra đời đã tác động nhất định đến hoạt động của NXB này. Vấn đề ở chỗ, tình trạng xuất bản lậu, vi phạm bản quyền, phát hành bát nháo sách điện tử qua internet ngày càng phức tạp, đặt ra những thách thức cho các NXB.

Theo ông Lê Thanh Hà, Giám đốc NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, với môi trường không gian mạng, việc kiểm soát, giữ bản quyền sách sẽ càng khó khăn hơn và là rào cản chính để xây dựng một thị trường sách điện tử phát triển lành mạnh. Sách điện tử lậu gây ra những thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế và uy tín đối với đơn vị xuất bản, kinh doanh nghiêm túc, có đầy đủ tư cách pháp nhân. “Từ đầu năm đến nay, tôi đã từ chối khoảng 300 bản thảo vì có vấn đề về tác quyền. Có những trường hợp sao chép sách đến xin phép xuất bản, tôi cầm cả quyển sách gốc mà họ đã sao chép ra để từ chối cấp phép, tuy nhiên, họ vẫn ngang nhiên “cam kết về mặt tác quyền”-ông Hà chia sẻ.

leftcenterrightdel
  Nhiều người dân TP Hồ Chí Minh vẫn giữ thói quen đọc sách. 

Thực tế cho thấy, việc số hóa dữ liệu, nội dung là một phần của công cuộc chuyển đổi số. Phiên bản sách điện tử của sách in sẽ thuận tiện hơn cho việc lan tỏa, bán hàng và giúp tác giả, NXB tối ưu hóa được nguồn thu. Hiện tại, các ấn phẩm xuất bản điện tử đã không chỉ giới hạn ở ebook, audiobook mà còn mở rộng nội hàm, bao gồm elearning, video... Điều này vừa có tác dụng tích cực, vừa tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, dẫn đến tình trạng vi phạm tác quyền càng thêm khó kiểm soát. Tại TP Hồ Chí Minh, các ấn phẩm xuất bản điện tử, nhất là ebook, audiobook vi phạm tác quyền tràn lan, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các NXB, thậm chí gây thất thu. Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, Luật Xuất bản còn thiếu các quy định, hướng dẫn để thực hiện ebook, audiobook. Chẳng hạn như, các vấn đề kỹ thuật chuyển file, lưu trữ sao cho hợp pháp, thậm chí các khoản phí cho những loại hình xuất bản phẩm này cũng chưa được quy định và có hướng dẫn cụ thể; chế tài xử phạt còn lỏng lẻo. Trong khi đó, nhu cầu đọc trực tuyến ngày càng phát triển dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền là điều khó tránh...

Trước thực tế ấy, nhiều lãnh đạo NXB tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp một cách toàn diện về cơ chế, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để, nghiêm minh các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các NXB và tạo ra môi trường internet an toàn, lành mạnh; đồng thời củng cố niềm tin của người đọc. Theo ông Đỗ Văn Biên, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, thời đại công nghiệp 4.0, ebook là xu thế tất yếu. Ebook góp phần làm phong phú các loại hình xuất bản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho độc giả. Do vậy, ngoài việc kiểm tra, xử lý nghiêm minh vi phạm bản quyền, các NXB cũng cần coi trọng hơn nữa khâu kiểm soát, quản lý, bảo đảm chất lượng ấn phẩm xuất bản; tăng cường đầu tư công nghệ để xuất bản sách điện tử. Cơ quan chức năng cần tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, giấy phép cho phiên bản ebook của sách in, tạo thuận lợi cho các NXB khi phát hành ebook... Đây cũng là biện pháp quan trọng góp phần ngăn chặn vấn nạn vi phạm bản quyền sách hiện nay.

Bài và ảnh: THANH HUYỀN