Nói đến hội nhập là nói thời điểm cách đây chẵn 30 năm-khi Việt Nam thoát khỏi thế cấm vận và gia nhập ASEAN. Nhìn vào diện mạo của lịch sử thì đó là một thay đổi hiếm có, hoặc chưa từng có. Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình. Từ đất nước bị chia cắt hơn 20 năm đến đất nước thống nhất. Từ giao lưu hẹp (trong phe) đến giao lưu rộng... Những chuyển động như thế phải nói là rất lớn. Trước một chuyển động lớn như thế trong hơn 30 năm, thì sao văn học lại không thay đổi được? Nó buộc thế và nó phải thế, chứ không thể khác. Không những văn học phải chuyển động mà còn phải góp phần dự báo, phải là người tiền trạm.

Cuộc dự báo và những người tiền trạm ấy đã xuất hiện trong suốt thập niên 1980, sau hơn 5 năm kết thúc chiến tranh; và lấn sang nửa đầu thập niên 1990, cho đến năm 1995 với những tên sách, tên người như: "Đứng trước biển", "Cù lao Tràm" của Nguyễn Mạnh Tuấn; "Đất trắng" của Nguyễn Trọng Oánh; "Thời xa vắng" của Lê Lựu; "Cuốn gia phả để lại" của Đoàn Lê; "Mưa mùa hạ", "Mùa lá rụng trong vườn"... của Ma Văn Kháng; "Bến quê", "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành" của Nguyễn Minh Châu; "Tướng về hưu" của Nguyễn Huy Thiệp; "Ngoài khơi miền đất hứa" của Nguyễn Quang Thân; "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường; "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh; "Bến không chồng" của Dương Hướng... làm nên khúc dạo đầu thật tưng bừng cho công cuộc đổi mới, tính đến năm 1995...

Còn từ sau năm 1995? Đó là thời kỳ của những khát vọng đổi mới, đưa đất nước vào một cuộc hội nhập lớn với nhân loại, để chuyển lên đường ray của sự phát triển. Trước những biến động ấy, văn học không thể đáp ứng bằng một sự phát triển tiệm tiến, bình thường. Mà phải bằng những nỗ lực lớn mang tính chuyển đổi cách mạng. Để có đủ tiềm lực và hành trang cho một chuyển đổi mang tính cách mạng như thế, văn học, cũng như bất cứ lĩnh vực nào khác, kể cả kinh tế, chính trị, cần đến những lực lượng trẻ; mà nói trẻ là nói đến những thế hệ trên dưới tuổi 30, thậm chí là 20. Đó là tuổi 20 và ngót 30 của Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Bích Khê, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Tô Hoài, Anh Thơ, Tế Hanh... làm nên thành tựu mang tính nhảy vọt của thời kỳ văn học 1930-1945. Đó cũng là tuổi 20 của Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ... Của Triệu Bôn, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Vương Anh, Y Phương, Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ... Của Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo... Của Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc, Thanh Tùng, Thi Hoàng, Trần Nhuận Minh... làm nên thành tựu văn học thời kỳ 1960-1975.

Chuyển sang thời đổi mới, một thế hệ trẻ như thế là chưa thể xuất hiện ngay, mà phải được chuẩn bị, trong sự tiếp nối của hơn một thế hệ chuyển tiếp, kể từ Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu...; qua Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Chu Lai, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Bảo, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Dạ Ngân, Bảo Ninh... Rồi Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Inrasara, Dương Thuấn, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Thùy Dương, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh...

Một thế hệ trẻ ở tuổi ngoài 20, rồi 30, thuộc thế hệ 7X và 8X-để có thể làm nên, hoặc làm chủ gương mặt văn học sau 1995, rồi sau 2000, đó là điều chưa dễ xác định, dẫu những tên tuổi gây ấn tượng trong họ thì lúc nào cũng có, kể từ Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Bích Thúy, Phan Triều Hải, Phan Hồn Nhiên, Phan Việt, Nguyễn Đình Tú, Văn Cầm Hải, Vũ Đình Giang, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lưu Sơn Minh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Trương Quý, Meggie Phạm...

Thế nhưng, nhìn trên tổng thể thì dường như sự tiếp tục này, trong tư thế một đội ngũ là chưa thật rõ lắm. Họ có thể rất đông; có thể xuất hiện hằng ngày trên báo, đài trong chủ ý tuyên truyền, quảng bá của hệ thống thông tin đại chúng; có thể gợi lạ, hoặc gây “sốc” cho người đọc, để làm cồn lên dòng chảy đã có; nhưng để làm nên một dòng chảy mới như các thời kỳ trước thì chưa hẳn đã có. Đó là điều, theo tôi, làm cho gương mặt văn học từ đổi mới sang hội nhập, trong nửa sau của nó, kể từ mở đầu thế kỷ 21 đến nay, với độ dài hơn 20 năm còn chưa gây được một ấn tượng mạnh mẽ, vượt trội, và thật là tưng bừng, ngoạn mục, trong so sánh với các mùa gặt lớn của lịch sử, và trong tương quan với thời cuộc.

Từ tình hình trên, tôi nghĩ đến một thế hệ viết mới là đại diện đích thực cho văn học tương lai-vừa là sản phẩm lại vừa là chủ thể của chính hoàn cảnh hôm nay; một thế hệ mới trong tư cách một đội ngũ, vừa làm chủ được các phương tiện thông tin, vừa tiếp cận và tiếp nhận được tinh thần, dấu ấn thời đại. Một thế hệ không chỉ ở lứa tuổi 7X và 8X đang là chủ lực hôm nay mà phải là 9X, hoặc nửa sau 9X. Phải một thế hệ như thế, với bản lĩnh cá nhân và sức mạnh của đội ngũ mới có thể đưa đời sống văn học vào một bước ngoặt mang tính cách mạng như đã từng diễn ra vào nửa đầu thế kỷ 20; và đang tiếp tục được đón đợi, với quy mô và tầm vóc lớn hơn, vào nửa đầu thế kỷ 21; tôi tin tưởng là thế.

Và với thế hệ đó, mọi đường biên hoặc đường viền cho văn học dường như đang được nới rộng ra, và được đẩy xa hơn về phía trước, khiến cho viễn cảnh của nó bỗng trở nên mơ hồ, khó hình dung, nhưng do thế mà càng hấp dẫn.

leftcenterrightdel

Các nhà văn, nhà thơ tham gia Trại sáng tác văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng tham quan Bảo tàng Quân khu 9. Ảnh: KIÊN GIANG 

Trở về với thời điểm hôm nay, khi mà trách nhiệm lịch sử đang được chuyển sang thế hệ 8X và 9X, gần như số rất lớn chưa mang thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là thế hệ mà chiến tranh và chủ nghĩa xã hội, rồi chủ nghĩa xã hội thời hậu chiến, chỉ còn là một hồi quang qua ký ức của người thân và sách vở.

Nói cách khác, họ được hưởng một bầu khí quyển khác, để có thể tuyệt đối yên tâm trong cốt cách của mình, trong mục tiêu đi tìm cái riêng, cái cá nhân, cái khác biệt cho mình. Họ đã hết bị vướng víu bởi cái ta hoặc cái chúng ta như bao thế hệ cha ông, qua nhiều chục năm, do áp lực của các loại cộng đồng lớn nhỏ khiến cho cái tôi riêng không chỉ là nhỏ bé, mà còn trở nên cô đơn, lạc loài... Bây giờ thì bất cứ ai cũng đều có quyền thỏa sức đi tìm cái riêng, cái khác, cái để được là mình. Vấn đề là cái riêng ấy có va chạm, xung khắc hoặc đối nghịch gì với cộng đồng như Tổ quốc, như nhân dân, mà những người mang danh hoặc nhân danh là nhà văn, vẫn cần và càng cần sự gắn bó.

Cuối cùng, nhìn tổng thể văn đàn thế kỷ 20, cho đến nay-đó là sự tiếp nối và đồng hành của dăm bảy thế hệ viết-kể từ bút lông, sang bút sắt (hoặc bút bi) đến bàn phím; và bây giờ là thời thống trị tuyệt đối của bàn phím.

Trong một thế giới đang được kết nối, và với vai trò con người cá nhân nổi lên bên cạnh vai trò của các quốc gia, các cộng đồng dân cư, mỗi cá nhân có thể vươn ra toàn cầu theo cách riêng của mình để sáng tạo, thông qua hàng loạt phương tiện mới của “thế giới phẳng” như công cụ tìm kiếm (Google), trí tuệ nhân tạo (AI) và các phần mềm xử lý công việc, khả năng tải lên mạng, từ điển mở... Với những khả năng như thế cho bất cứ ai làm chủ được công nghệ, phương tiện thông tin thì mọi yêu cầu gọi bằng “cởi trói” cho tự do sáng tạo, cho khát vọng của cá nhân sẽ trở thành câu chuyện thừa. Trong một thế giới như thế, văn học cũng như mọi lĩnh vực hoạt động tinh thần khác cũng phải biến đổi; và sứ mệnh đó đang được giao cho một thế hệ mới, thế hệ tuổi từ 20 đến trên dưới 30 như trên đã nói, được xem là thế hệ @ trên khắp các lĩnh vực khoa học và nghệ thuật.

Là người chứng kiến và có tham gia ít nhiều vào hành trình văn học của thế kỷ 20 đã qua, tôi rất khao khát được thấy sự xuất hiện của họ trong tư cách một đội ngũ vừa tinh anh, vừa hùng hậu, rất khác nhau trong phong cách mà vẫn không nhòa mờ một khát vọng chung của nhân dân, của dân tộc; và một gương mặt chung in đậm tinh thần và dấu ấn thời đại. 

GS PHONG LÊ