Trước khi lên xe, má Tư Hường (bà Phạm Thị Hường, cư trú tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), một thành viên trong trạm xá thuộc căn cứ Hòn Hèo thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm nay đã gần 80 tuổi, thông tin với tôi:
- Con ơi, từ nhà má vào Khu di tích lịch sử quốc gia Hòn Hèo hơn 30km lận. Đường dễ đi lắm chứ không phải trèo đèo, lội suối, luồn rừng toát mồ hôi hột như má hồi trong căn cứ ngày xưa đâu.
- Ủa, ngày đó má ở trên núi bao lâu?
- Gần chục năm lận! Nhưng gian khổ và nguy hiểm nhất là sau Tết Mậu Thân 1968 con à. Ngày đó chiến tranh ác liệt lắm luôn.
- Con mua ít quả thắp hương các liệt sĩ nghe má?
- Con mua hoa tươi thôi. Má đã điện ông Hương chuẩn bị chu đáo rồi.
    |
 |
Bà Phạm Thị Hường kể chuyện về sự hy sinh của cán bộ, thủy thủ tàu C235 tại Hòn Hèo. Ảnh: MINH TUẤN |
- Ông Hương là đồng đội của má sao?
- À, không. Ông ấy chỉ là người trông coi di tích con à. Hắn hay dữ lắm đó à nghe! Tuy không phải là dân “nhảy núi” kháng chiến như má nhưng hắn được các ảnh quý lắm đó.
Con đường nhựa nhỏ ngoằn ngoèo, quanh co, lúc lên dốc lúc xuống khe dài thăm thẳm khiến tôi tò mò hơn về một căn cứ kháng chiến. Và rồi, sau gần một giờ đồng hồ men theo sườn núi, chúng tôi rẽ vào xã Ninh Vân, đến Khu di tích lịch sử quốc gia Hòn Hèo nằm ngay sát chân núi Hòn Hèo cao 400m so với mặt nước biển. Chúng tôi xếp hàng ngang trước bàn thờ liệt sĩ tàu C235 hy sinh hồi tháng 3-1968. Bên tai tôi văng vẳng lời kể của má Hường.
Ngày 1-3-1968, má cùng đồng đội phải di chuyển khỏi căn cứ trên núi Hòn Hèo để tránh những đợt bao vây, tấn công và bom đạn của kẻ thù. Sau này, má Tư Hường được 4 chiến sĩ tàu không số sống sót kể lại, tàu C235 vận chuyển vũ khí từ ngoài Bắc vào bến Hòn Hèo trả hàng và đã nổ tung trước sự tấn công của địch. Vài năm sau, bộ đội địa phương tìm thấy một hố chôn tập thể cách bờ biển không xa. Bọn giặc đã gom thi thể những cán bộ, thủy thủ tàu không số C235 hy sinh vào một cái hố cát và tẩm xăng đốt. Bộ đội chia số cốt ấy thành 14 phần và đưa về nơi an táng trang nghiêm.
Một ông già dáng thấp nhỏ, nước da đen sẫm đặc trưng người miền biển tập tễnh đi chậm, từng bước. Ông đưa cho mỗi người trong đoàn chúng tôi 3 nén nhang đã châm sẵn. Má Tư Hường đứng lặng phắc trong khói nhang vấn vương và tiếng rì rào của sóng biển vỗ vào thềm đá, những giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài như muốn làm đầy những vết chân chim hằn sâu bởi gian khổ và thời gian.
Sau phần lễ, má Tư Hường lấy chiếc khăn rằn lau nước mắt. Má gọi tôi đến bên cạnh và giới thiệu về người đàn ông với bước đi tập tễnh ấy.
- Đây là ông Hương trông coi di tích này. Ông ấy sẽ kể cho con những câu chuyện sau ngày đất nước thống nhất. Ông sống rất tình cảm và là người rất có tâm.
Má Tư Hường ý nhị dành lại không gian riêng tư cho tôi và ông Hương. Dưới bóng cây, bên cạnh một phần xác tàu C235 đã gỉ sét được gom vào trong một khung kính trong suốt rộng hơn 5m2, ông kể lại câu chuyện khá ly kỳ của đời mình.
    |
 |
Ông Lê Đức Hương bên mảnh vỡ tàu gỉ sét tại Khu di tích lịch sử quốc gia Hòn Hèo (Ninh Vân, Khánh Hòa). Ảnh: TUẤN HUY |
Ông là Lê Đức Hương, sinh năm 1954, ở thị trấn Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Thời trai trẻ, ông là ngư dân đánh cá trên biển. Sau khi kết hôn, đầu năm 1986, ông Hương đưa vợ đến vùng đất Ninh Vân khi ấy còn hoang sơ, chưa có đường đi lại, để làm kinh tế. Ông Hương cùng vợ chọn mỏm đồi bên phải vịnh Ninh Vân để khai hoang, trồng trọt, sinh sống. Là người có sức khỏe và chịu khó, vừa khai hoang, thỉnh thoảng ông đi biển đánh cá. Ngày ấy, trồng nấm mèo (mộc nhĩ) có thu nhập rất tốt. Để có nguyên liệu cho nấm mèo sinh trưởng, phát triển, ông Hương và vợ phải lên núi Hòn Hèo để kiếm gỗ mục hoặc chặt cây to đưa xuống chân núi.
Vách núi dựng đứng, chằng chịt cây leo khiến việc đi lại rất khó khăn chứ đừng nói là di chuyển, mang vác nặng. Ấy nhưng ông Hương lại có thể vác những cây gỗ to xuống núi đi phăm phăm. Rồi quá trình phát cây làm rẫy, ông Hương phát hiện những tấm sắt vụn cong queo, gỉ sét nằm trong những bụi cây leo chằng chịt. Ông gom chúng vào một đống để chờ cơ hội bán sắt vụn. Rồi ông lại phát hiện ra các dép râu, quần áo bộ đội và cả súng AK. Sống lưng ông lạnh toát như có luồng điện chạy qua. Ông lẳng cái hái sang một bên, ngồi bệt xuống mảnh đất nham nhở cỏ dại, thở hổn hển. Rồi ông trấn tĩnh và suy đoán trong chiến tranh đã có bộ đội chiến đấu, hy sinh tại đây. Ông bỏ lửng công việc phát rẫy, về nhà báo cáo chính quyền địa phương.
Ông tâm sự, ngày đó mọi thứ khó khăn, cán bộ địa phương đa phần còn trẻ nên cũng không nắm được thông tin về những lực lượng từng chiến đấu, hy sinh nơi đây. Họ đến nơi nhìn thấy những mảnh sắt vụn và khẩu AK nên yêu cầu ông Hương giữ nguyên hiện trạng. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông Hương lập một miếu thờ nhỏ để nhang khói. Từ đó, cứ ngày rằm, mồng một hoặc dịp lễ, tết, ông và vợ đều mang hoa quả vườn nhà đến thắp hương. Trong tâm, ông tin nơi đây có bộ đội hy sinh.
Vào một ngày của năm 1994, sau 8 năm kể từ ngày ông và vợ bổ nhát cuốc khai hoang mảnh đất ấy, bất ngờ xuất hiện những cán bộ hải quân. Từ đây, ông Hương mới biết cán bộ ở Học viện Hải quân từ TP Nha Trang đến xác minh thông tin về sự hy sinh của cán bộ, thủy thủ và con tàu C235 thuộc Đoàn tàu Không số. Sau đó, Học viện Hải quân cùng chính quyền địa phương xây bia tưởng niệm 14 anh hùng, liệt sĩ tàu C235 hy sinh tại đây. Năm 2014, khu di tích Hòn Hèo được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
Năm 2017, khu di tích được đầu tư xây dựng dưới sự quản lý của tỉnh Khánh Hòa. Ông Hương đã động viên vợ hiến 5.000m2 đất vườn cùng 3ha đất nương khai hoang để xây dựng khu di tích. Hiện tại, ông tình nguyện làm người gác đền trông coi khu di tích này. Trước đây, hằng tháng, ông Hương được ngành chức năng của tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ kinh phí. Những năm đầu chỉ có 500 nghìn đồng, rồi lên 1 triệu đồng, 1,5 triệu đồng. Từ năm 2021, số tiền hỗ trợ được tăng lên 2 triệu đồng. Ông dùng số tiền ấy mua hương hoa, thắp nhang sưởi ấm vong linh các liệt sĩ. Ngày nào ông Hương cũng tập tễnh ra khu tưởng niệm. Khi thì nhổ cỏ, khi thì quét dọn, rồi lau những mảng bụi trên tường, trên bia ghi tên các liệt sĩ. Với ông, một ngày không đến được nơi đây thì bứt rứt, khó chịu trong người.
- Chân ông làm sao mà đi lại khó khăn thế?
Ông Hương nhìn tôi cười móm mém. Những vết nhăn trên khuôn mặt giãn ra, nhường chỗ cho đôi mắt long lanh. Ông bảo, có lẽ các liệt sĩ tàu không số đã phù hộ để ông vượt qua bệnh tật. Chuyện là, sau khi phát hiện ra những di vật liệt sĩ và lập miếu thờ cúng, một hôm bỗng thấy mình đau từ cổ tới lưng. Rồi ông bị liệt hai chân và phải nằm viện gần hai năm đằng đẵng. Thêm hai năm chạy chữa, điều trị tại nhà, chân ông dần hồi phục và đi lại được. Ông bảo, các liệt sĩ hy sinh ở đây rất linh thiêng, dường như họ đã nhận ông là đồng đội.
    |
 |
Ông Lê Đức Hương (bên trái) kể lại câu chuyện phát hiện mảnh vỡ tàu C325. Ảnh: TUẤN HUY |
Bây giờ, kinh tế của gia đình ông chỉ tầm trung bình. Ông bảo, mỗi năm thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào vườn điều. Năm được mùa, giá tốt thì gia đình ông thu được chừng 35 triệu đồng, năm rẻ thì không được. Dù khó khăn nhưng ông vẫn tâm niệm hết lòng và tự nguyện với công việc chăm sóc hương hồn các liệt sĩ nơi sóng gió vùng biển Ninh Vân.
Đến đây thì tôi đã hiểu vì sao má Tư Hường lại khen ông Hương là hay. Ông đang làm thay công việc cho số ít đồng đội tàu không số C235 còn sống và những thân nhân của 14 gia đình liệt sĩ. Ông bầu bạn với hương hồn những người đã hy sinh một cách thành tâm, tự nguyện.
Tôi nhớ mãi lời của Trung tá Lê Hồng Hải, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS thị xã Ninh Hòa rằng: “Ông Hương đã tiếp thêm lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”. Còn anh Nguyễn Thái Nhân, Phó bí thư Đảng ủy xã Ninh Vân thì bộc bạch: “Cách sống giản dị, không màng danh lợi và đầy hy sinh, cống hiến của ông Hương là điển hình tâm cốt người Ninh Vân, Ninh Hòa. Ông Hương là điểm tựa cho chúng tôi trong công tác dân vận, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quyết sách của chính quyền địa phương”.
Rời Ninh Vân, rời Khu di tích lịch sử quốc gia Hòn Hèo, rời tiếng sóng biển rì rầm như lời ru êm đềm vỗ vào bờ đá, những bước đi tập tễnh của ông Hương-người tự nguyện gác đền lặng lẽ cứ ám ảnh, bám riết lấy tôi.
Với tôi, gặp được nhân vật giản dị như ông Hương là may mắn trong cuộc đời làm báo của mình. Nhìn vào việc ông làm, tôi tin nhiều người cùng có chung động lực thoát khỏi ưu tư, buồn phiền và được-mất để cống hiến hết mình cho đời.
MẠNH TUẤN