Chuyện kể rằng, xửa xưa, dọc sông Gianh ngược lên vùng biên viễn phía tây đất Bố Chính cổ (nay thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình ) vô cùng cực khổ. Có năm, từng đoàn người phải bỏ làng bản, dắt díu nhau trèo đèo, lội suối sang bên kia dãy Trường Sơn để kiếm ăn. Có một bà cụ già yếu, không có con cháu đi cùng. Khi chui qua hai vách đá chắn ngang con đèo nằm giữa hai dãy núi Giăng Màn và Kẻ Bàng thì cụ tắt thở. Mộ cụ nằm giữa đỉnh đèo. Hành khất qua lại thương cảm đắp cho cụ mỗi người một nắm đất hoặc hòn đá. Ngôi mộ cứ cao dần, rồi kết thành ngôi mộ thiêng. Dân gian gọi đây là đèo Mụ Giạ, tiếng địa phương là “đèo Bà Già”. Lối đi giữa hai vách đá khổng lồ được gọi là Cổng Trời.

Đó là sự tích về con đường 12A máu lửa, một nhánh của Đường Trường Sơn huyền thoại có gần 50 cây số chạy qua huyện Tuyên Hóa quê tôi. Trong phong trào Cần Vương kháng Pháp cuối thế kỷ 18, vua Hàm Nghi đã cùng các văn thân, chí sĩ và nghĩa quân rút theo con đường này, ngược lên vùng Dân Hóa của huyện Minh Hóa để lập căn cứ Sơn Phòng. Sau khi dập tắt Phong trào Cần Vương, thực dân Pháp nâng cấp đoạn đường từ Khe Ve lên Cổng Trời qua đèo Mụ Giạ, vượt Cửa khẩu Cha Lo thành đường cơ giới để sang Lào. Trong hồi ký “Trọn một con đường”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn kể: “Trước năm 1966, khi ta chưa mở thêm Đường 20 Quyết Thắng thì Đường 12A là tuyến đường ngang vượt Trường Sơn duy nhất có thể vận tải cơ giới, chuyển hàng hóa, vũ khí qua nước bạn Lào để vào chiến trường miền Nam...”.

leftcenterrightdel
 Di tích Cổng Trời.  Ảnh: ĐỨC HÀNH

Từ khi leo thang ném bom phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tập trung không quân, có cả B-52, đánh phá dữ dội tuyến đường chiến lược này. Nhiều địa danh và sự tích anh hùng đã xuất hiện nơi đây: Ngã ba Khe Ve là hậu cứ của Đoàn 559 và là nơi xuất phát của tuyến đường ống xăng dầu chiến lược ngược “nhánh Tây”. La Trọng là địa hình vừa có đèo dốc, vừa có cầu ngầm, vừa có kho trung chuyển hàng hóa nên trở thành một mục tiêu hủy diệt của máy bay Mỹ, có ngày đêm bị oanh tạc hơn 30 lần. Bãi Dinh là một “bãi khách” của bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến và những chuyến xe vào-ra chiến trường. Cạnh đó là đồi Cha Quang, nơi hàng trăm nam, nữ TNXP “Xê Chín” đã kiên cường bám trụ. Nhiều chiến sĩ bị bom vùi, đất lở, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt...

Còn nhiều lắm những di tích kháng chiến, như: Ca Tang, Cổng Trời, Cha Lo, Mụ Giạ... cùng những tấm gương tiêu biểu của quân và dân ta những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”: Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Hè, dũng sĩ phá bom nổ chậm ở Bãi Dinh-La Trọng; anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”; Chính trị viên Đại đội TNXP 759 Trần Thị Thành nhiều lần ngồi trên bom nổ chậm để động viên đồng đội san lấp hố bom... Đặc biệt, Đại đội TNXP 759 có anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế là cô gái xinh tươi ôm bó hoa rực rỡ đứng bên Bác Hồ kính yêu trong bức ảnh “Bác Hồ với TNXP” từng in trên nhiều sách báo, được lưu giữ trong nhà bảo tàng, phòng truyền thống của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương...

Hiện nay, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Kim Huế đã ngoại bát tuần, lên chức bà nội đã hơn hai chục năm, nhưng mọi người vẫn quen gọi bà là “o Huế” thân thương như thuở nào... O Huế quê ở xã Cảnh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Làng o Huế cách làng tôi chỉ hơn một giờ đi xe đạp. Tôi được quen biết o Huế từ hồi còn bé tí, vì o Huế ở cùng “Xê Chín” với chú ruột tôi. Thỉnh thoảng được về phép hoặc đi công tác, o lại ghé vô nhà bà nội tôi để trao thư của chú. Rồi khi trở lại đơn vị, o lại ghé để bà nội tôi gửi thư và quà cho chú tôi. Sau này lớn lên, hiểu biết thêm về con đường 12A huyền thoại cùng những chiến công của các đơn vị bộ đội và TNXP trên tuyến đường này, tôi càng tự hào về truyền thống quê hương, về o Huế, về chú ruột tôi và thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Năm 1965, tỉnh Quảng Bình thành lập mỗi huyện một đại đội TNXP để bảo đảm giao thông tại chỗ. Huyện Tuyên Hóa thành lập Đại đội TNXP 759, thường được gọi là “Xê Chín”, bảo vệ tuyến đường 12A. Lúc đó, o Huế đã có chồng nhưng vẫn tình nguyện đi TNXP, được cử làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6. Khi “Xê Chín” thành lập Trung đội Cảm tử, o Huế được cử làm Trung đội trưởng. Thời gian này, o Huế từng 9 lần được đơn vị làm lễ “truy điệu sống” trước khi ra mặt đường. Năm 1967, cá nhân o Huế và tập thể “Xê Chín” được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

leftcenterrightdel
 Đường 12A hôm nay.  Ảnh: ĐỨC HÀNH 

Năm 2019, kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, tôi có dịp được trở lại Đường 12A, nay là tuyến đường Xuyên Á tiêu chuẩn quốc tế, nối các cảng biển Vũng Áng của Hà Tĩnh và Hòn La của Quảng Bình với Lào, Thái Lan, Myanmar... Một khu kinh tế và đô thị non trẻ đang hình thành trên mảnh đất chiến trường ác liệt năm xưa. Ông Nguyễn Văn Ngành, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cha Lo cho biết: “Những năm gần đây, với các chính sách thông thoáng, tạo được môi trường thuận lợi nên Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm phát triển thương mại, dịch vụ trong khu vực này. Đến cuối năm 2018, đã có 16 dự án thực hiện và đăng ký đầu tư tại Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 680 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án FDI với tổng mức 5 triệu USD.

Theo định hướng, đến năm 2030, Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo sẽ là trung tâm kinh tế và đô thị phía tây Quảng Bình, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của tỉnh Quảng Bình với Lào và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan...”. Đặc biệt, Đường 12A qua Cổng Trời-Cha Lo-Mụ Giạ... sẽ là tuyến du lịch hấp dẫn liên quốc gia, một ngày có thể dừng chân tại 3 nước mà điểm khởi đầu là Vũng Chùa-Đảo Yến-Ba Đồn vùng hạ nguồn sông Gianh và điểm cuối là Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi tiếng ở bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan; đối diện với bên này đất Lào là Đền thờ Bác Hồ ở Xiêng Vang-Thakhek. Đó là những địa danh đã in dấu Bác Hồ những ngày hoạt động bí mật ở Thái Lan. Dọc tuyến đường này, sau khi đi qua những địa danh lịch sử và danh lam thắng cảnh trên Đường 12A, tuyến đường 12 bắt đầu từ Na Phàu của huyện Bualapha còn dẫn đến nhiều điểm du lịch sinh thái và di tích văn hóa nổi tiếng trên đất Lào...

Mới đây, nhân chuyến công tác ngược Đường 12A, tôi đã ghé thăm o Huế tại quê nhà. Biết tôi có ý định “kể lại” những chiến công của “Xê Chín” anh hùng trong bộ phim tài liệu đang làm, o nhắc nhở: “Những sự kiện trên Đường 12A hồi đó đã được báo chí, sử sách viết khá tường tận. Đó là những tư liệu chính xác, những người viết trẻ hôm nay cần soi chiếu, tham khảo nghiêm túc, chớ để “tam sao thất bản” đáng tiếc. Chẳng hạn như bức ảnh “Bác Hồ với TNXP”, gần đây, một số bài báo ghi chú thích là: “Nữ anh hùng TNXP Nguyễn Thị Kim Huế tặng hoa cho Bác Hồ” là không đúng. Sự kiện này là tại Đại hội thi đua các đội TNXP chống Mỹ, cứu nước năm 1967, đã được Báo Tiền phong ngày đó tường thuật chính xác rằng: Khi bản báo cáo đọc đến thành tích của anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, Bác bảo Huế đứng dậy để mọi người trông cho rõ. Rồi Bác trao lại cho Huế bó hoa mà đại hội vừa tặng Bác...

Tôi thưa với o: Được tặng hoa Bác Hồ là niềm vinh dự lớn. Được Bác Hồ tặng hoa thì vinh dự bội phần. Đặc biệt, o còn được 5 lần gặp Bác Hồ kính yêu thì quả là một niềm vinh dự vô bờ bến mà hiếm người có được...

O Huế trầm ngâm một lúc rồi nói như cải chính: Đó là vinh dự của "Xê Chín" mà o được thay mặt thôi. Ở "Xê Chín" ngày đó, ai cũng xứng đáng được phong tặng danh hiệu anh hùng. Như chị Trần Thị Thành là cán bộ đại đội, người mảnh mai, nhỏ nhắn nhưng là chỗ dựa tinh thần cho toàn đơn vị. Khi nhận được tin chồng hy sinh ở chiến trường miền Nam, chị vẫn giấu đau buồn để không ảnh hưởng đến mọi người trong đơn vị, trong đó có cô em ruột cũng đang là chiến sĩ của "Xê Chín". Nếu có điều kiện, cháu nên vô Đồng Hới hỏi chuyện chị Thành...

Những lời “cải chính” của o Huế giúp tôi hiểu thêm nhiều điều về những sự tích anh hùng của Đường 12A và Trường Sơn huyền thoại.

Bút ký của MAI NAM THẮNG