Vị trí đặc thù
Có thể nói, nhân cách và bản lĩnh là những phẩm chất cần thiết nhất, cao quý nhất của con người chân chính. Đặc biệt đối với người quân nhân cách mạng-Bộ đội Cụ Hồ-thì nhân cách là biểu hiện cụ thể của thế giới quan và nhân sinh quan của người chiến sĩ; là quan điểm, niềm tin, lý tưởng chính trị mà họ phấn đấu và phụng sự. Và bản lĩnh của người chiến sĩ chính là cơ sở, là điểm tựa cho tinh thần “Vì nhân dân phục vụ” và quyết tâm “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Nhân cách và bản lĩnh của người chiến sĩ là những phẩm chất tiêu biểu của Bộ đội Cụ Hồ.
Trong các loại hình giáo dục nhân cách và bản lĩnh thì VHNT chiếm một vị trí đặc thù. Bởi như các nhà tư tưởng đã chỉ ra: VHNT cứu rỗi con người, cứu rỗi thế giới; VHNT nâng đỡ tâm hồn con người và thậm chí là “sinh ra con người lần thứ hai”. Đó là những cơ sở lý luận của quan điểm “VHNT góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ” đã được chứng minh trong lịch sử truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tất nhiên, quá trình VHNT tác động vào trái tim và khối óc của người chiến sĩ để hình thành, bồi đắp nên những phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ không phải là kết quả của một sớm một chiều, không phải chỉ trong thời gian quân ngũ, cũng không phải chỉ là công việc của các cơ quan tư tưởng-văn hóa trong quân đội. Những giá trị tinh hoa của VHNT phải được người chiến sĩ tiếp nhận, cảm thụ từ thuở ấu thơ, thông qua những câu chuyện cổ tích, những câu ca điệu hát dân gian, những tác phẩm VHNT tiêu biểu trong chương trình giáo dục của hệ thống các nhà trường và trên các phương tiện nghe nhìn khác mà họ thưởng thức trong cuộc sống. Có thể nói, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là kết tinh những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và nhân loại. Đó là cả một quá trình lâu dài, kiên trì, khoa học; một sự giáo dục và tự giáo dục có chọn lọc, định hướng; một sự nghiệp "trồng người" đòi hỏi sự chung tay của nhiều ngành, nhiều cấp và toàn xã hội.
Ngày nay, cơ chế thị trường và thời đại kỹ thuật số có những mặt tiêu cực, tác động xấu đến môi trường văn hóa nói chung và đời sống VHNT nói riêng. Việc phổ biến/tiếp cận các sản phẩm VHNT được sự hỗ trợ của khoa học-công nghệ với muôn vàn tiện ích đắc dụng, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, cả chủ quan và khách quan. Đồng thời yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong thời kỳ mới cũng đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác tư tưởng-văn hóa nói chung và việc tiếp tục phát huy vai trò của VHNT góp phần xây dựng bản lĩnh, nhân cách của người chiến sĩ nói riêng.
Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin nêu một số giải pháp và kiến nghị thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quân đội, để VHNT phát huy tốt hơn nữa vai trò của VHNT tham gia xây dựng nhân cách, bản lĩnh của người chiến sĩ trong cơ chế thị trường và thời đại kỹ thuật số.
Tiếp tục nâng cao sức mạnh chiến đấu của “Binh chủng văn nghệ”
Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất mà còn là một đội quân văn hóa hết sức tinh nhuệ. Đặc biệt, lực lượng văn nghệ sĩ mặc áo lính trong các cuộc kháng chiến trước đây từng được ví như một “Binh chủng văn nghệ” đã góp phần quan trọng vào những chiến công to lớn của quân và dân ta. "Văn nghệ bộ đội” là một mảng đặc sắc, nổi bật của nền văn nghệ cách mạng nước ta.
Ngày nay, để có một đội ngũ văn nghệ sĩ kế tục sự nghiệp của “Binh chủng văn nghệ” trong thời kỳ mới-với những điều kiện, hoàn cảnh và những yêu cầu nhiệm vụ mới-cần phải có một sự tổ chức chu đáo và bài bản. Trước đây trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhờ tổ chức tốt phương châm “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” mà quân đội đã tập hợp, rèn luyện, phát huy được một đội ngũ văn nghệ sĩ-chiến sĩ đông đảo và chất lượng. Hoặc như sau năm 1975, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẩn trương tập hợp hàng chục cây bút ở các chiến trường về các trại viết Vân Hồ, Tô Lịch, Đại Lải, Đà Lạt, Vũng Tàu... Rồi sau đó lại sớm phát hiện và cử đi học tại các trường đào tạo chính quy trong nước và nước ngoài. Nhờ đó mà chúng ta có được một “thế hệ vàng” các văn nghệ sĩ áo lính bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và có được những tác phẩm xuất sắc về chiến tranh. Nhiều người trong số họ không chỉ trở thành những văn nghệ sĩ nổi tiếng mà còn là những nhà quản lý văn nghệ chủ chốt của Đảng, Nhà nước và quân đội. Đó là những kinh nghiệm quý rất cần được vận dụng một cách phù hợp trong hoàn cảnh và điều kiện hiện nay.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã có những chủ trương, biện pháp quan tâm thiết thực đến đội ngũ tác giả VHNT trong và ngoài quân đội sáng tác về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, nhất là đối với các văn nghệ sĩ trẻ, như: Tổ chức các trại sáng tác hằng năm tại nhiều vùng, miền; xét tặng giải thưởng VHNT 5 năm một lần; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các văn nghệ sĩ “dân sự” thâm nhập các đơn vị quân đội, nhất là các đơn vị đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo... Các văn nghệ sĩ trong quân đội cũng được tạo mọi điều kiện để phát huy tài năng, cùng với việc thực hiện chính sách đãi ngộ như nâng lương, phong, thăng quân hàm, kéo dài tuổi phục vụ... Đó là những việc làm thiết thực đã đạt được những hiệu quả nhất định, rất cần được tiếp tục đổi mới và phát huy. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm là hiện nay, ngoài Tạp chí Văn nghệ Quân đội quy tụ được một đội ngũ nhà văn quân đội khá chuyên nghiệp và “chính quy”, đặc biệt là thế hệ nhà văn trẻ, thì hầu hết các cơ quan tư tưởng-văn hóa trong quân đội hiện nay đang thiếu vắng những tác giả có uy tín chuyên môn cao như trước đây. Đó là một sự thiếu hụt rất đáng lưu tâm và cần sớm có các biện pháp khắc phục.
Linh hoạt và đổi mới
Thế hệ chiến sĩ ngày nay có trình độ “đầu vào” khá cao và tương đối đồng đều. Nhu cầu thưởng thức VHNT của người chiến sĩ hiện nay cũng đa dạng, cập nhật và "hiện đại” hơn các thế hệ trước đây. Đồng thời, người chiến sĩ hiện nay cũng bị những mặt trái của cơ chế thị trường, của internet và mạng xã hội tác động rất lớn. Vì vậy, đòi hỏi phải linh hoạt và đổi mới công tác văn hóa, văn nghệ trong quân đội phù hợp và hiệu quả. Chẳng hạn: Nên chăng cần có các biện pháp “tương kế tựu kế” thay vì cấm bộ đội sử dụng điện thoại thông minh và internet một cách tuyệt đối? Nên chăng các sản phẩm VHNT cần có nội dung và hình thức phong phú, sinh động hơn, đi cùng các biện pháp chọn lọc và định hướng để giúp người chiến sĩ mở rộng tầm nhìn, phân biệt được các giá trị VHNT chân chính.
Sự “linh hoạt và đổi mới công tác văn hóa, văn nghệ” bao gồm cả việc cần khôi phục và nâng cao một số hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của bộ đội thời kháng chiến mà nay đã không còn duy trì, hoặc đã bị mai một, biến tướng. Chẳng hạn: Tăng cường và đổi mới hoạt động liên hoan-giao lưu văn nghệ quân dân thực sự là phong trào văn nghệ quần chúng “cây nhà lá vườn” thay vì các đợt hội diễn văn nghệ các cấp kiểu “thuê thầy rước thợ” để thi thố rất tốn kém, không thực chất, không thúc đẩy được phong trào văn nghệ quần chúng. Hoặc như cần duy trì chế độ chiếu phim (điện ảnh) phục vụ quân và dân ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, không nên “video hóa” chế độ xem phim của bộ đội hiện nay, bởi vì phim điện ảnh có hiệu ứng nghệ thuật không loại hình nào thay thế được. Văn hóa đọc của bộ đội cũng rất cần được quan tâm, bằng những cách làm hấp dẫn và sáng tạo, chẳng hạn: Cùng với việc khuyến khích bộ đội đọc sách, báo trên thư viện, phòng Hồ Chí Minh... nên chăng tổ chức những cuộc thi liên quan đến “sự đọc” này... Còn nhớ thời kháng chiến, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân có loại “sách mini” chỉ nhỉnh hơn bàn tay để bộ đội đút túi cóc ba lô. Nên chăng cần khôi phục lại loại sách này với hình thức và nội dung phù hợp với đối tượng ngày nay?
Cách nay mấy năm, đến giao lưu với một đơn vị bộ đội, tôi có đọc và bình cho các chiến sĩ nghe bài thơ “Con tem quân đội” của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân viết cách nay hơn 40 năm. Rất nhiều chiến sĩ đã hỏi tôi: Con tem quân đội là con tem gì? Tôi giật mình ngơ ngác, hỏi ra mới biết từ nhiều năm nay, tiêu chuẩn tem thư của bộ đội đã được tính vào tiền phụ cấp. Loại tem thư không giá, ghi rõ là “Tem quân đội” (thời kỳ những năm 60-70 của thế kỷ trước ghi là “Tem binh sĩ”) đã không còn phát hành lâu lắm rồi. Thời nay, tem thư mua đâu chẳng có. Vâng, thời kinh tế thị trường hầu như thứ gì cũng sẵn, có tiền là mua được. Rồi nữa: Thời đại “a-còng”, mọi phương thức liên lạc, trao đổi thông tin, vận chuyển bưu phẩm... đều đã khác xưa; mấy ai còn ngồi lọ mọ nắn nót viết thư và dán tem. Xin thưa: Con tem thư không chỉ là vật “trao đổi ngang giá” trong tính toán cước phí mà còn là một sản phẩm văn hóa, giá trị đôi khi không thể tính bằng tiền. Đặc biệt đối với người chiến sĩ trước đây, con tem quân đội là một phần đời sống văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ. Tại sao chúng ta không giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa có tính truyền thống như thế? Tất nhiên, việc khôi phục con tem quân đội phải đi cùng với những sáng kiến độc đáo thì mới “kích hoạt” được giá trị văn hóa của nó...
Linh hoạt và đổi mới công tác văn hóa, văn nghệ trong quân đội không thể tách rời những nỗ lực đổi mới công tác văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước ở các ngành, các cấp. Nhân cách và bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ là những phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam mới mà toàn xã hội đang tập trung xây dựng theo các nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI); phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc (Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng).
Nhân cách và bản lĩnh của người chiến sĩ-Bộ đội Cụ Hồ-chỉ có thể được hình thành và bồi đắp trong một môi trường văn hóa ưu việt, như là một hệ sinh thái trong lành, nuôi dưỡng nhận thức và tình cảm con người từ tấm bé đến tuổi trưởng thành và suốt cuộc đời. Xã hội Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 từng có nhiều chục năm có được một "hệ sinh thái văn hóa” như thế. Và nét kỳ diệu tuyệt vời là trong những năm tháng ấy, tinh thần tự giác cao cả của người nghệ sĩ công dân đã trùng khớp đẹp đẽ với lý tưởng sống và lý tưởng nghệ thuật của mỗi người, được cộng hưởng bởi không khí của thời đại. Vì vậy mà họ đã phục vụ nhiệm vụ chính trị một cách tự giác, nhuần nhị và hiệu quả. Đó thực sự là bài học lớn và vẫn hết sức thời sự trong công tác tư tưởng-văn hóa, trong quản lý VHNT hôm nay.
Đại tá, nhà thơ MAI NAM THẮNG