Sự sáng tạo trong khoa học hay trong thi ca đều xuất phát từ óc tưởng tượng phong phú, kỳ diệu của con người. Thường thì trí tưởng tượng mạch lạc, logic sẽ có nhà khoa học; còn trí tưởng tượng bay bổng, đầy sắc màu, hình tượng, âm thanh... sẽ có nhà thơ. Hiếm khi trong một con người có cả hai thứ “trời cho” như thế. Vậy mà tôi biết thực sự có một nhà khoa học-nhà thơ. Đó là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Đinh Phạm Thái, nguyên cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội).
Ông là nhà khoa học đầu ngành nước ta về luyện kim màu. Từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, ông đã có bằng phát minh sáng chế độc quyền về tinh luyện thiếc khi đi thực tế ở mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) và đây cũng thuộc đề tài làm tiến sĩ khoa học sau này của ông. Khi đã nghỉ hưu, ông vẫn tiêp tục hướng dẫn nghiên cứu sinh, trong một lần cọ rửa dụng cụ thí nghiệm, vô tình ông dùng cái thìa nhôm cạo lớp bột hóa chất đáy cốc. Bột đang trắng bỗng chuyển màu đen. Sự nhạy cảm khoa học giúp ông nhận ra ngay đó là phản ứng giữa chất kim loại màu gọi là bismut và chất nhôm của cái thìa, để rồi từ đó tìm ra một phương pháp mới tinh luyện bismut. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bằng sáng chế độc quyền cho phát kiến này của nhà khoa học Đinh Phạm Thái.
Nhà giáo, nhà khoa học Đinh Phạm Thái sinh năm 1937. Năm 69 tuổi, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Lễ kết nạp diễn ra ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ít ai biết một điều đặc biệt, văn bia tiến sĩ đặt ở chính nơi kết nạp hội viên hôm ấy có hai cụ tổ của ông, là Tiến sĩ Đinh Nho Công (1637-1695) và Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn (1671-1716). Các vị tiên liệt tiến sĩ về văn chương, nhiều hậu duệ dòng họ Đinh Nho thời hiện đại tiếp nối đều là tiến sĩ về khoa học công nghệ, chỉ riêng Đinh Phạm Thái kiêm thi sĩ, âu cũng nằm trong dòng chảy liên tục suốt mấy trăm năm của một dòng họ khoa bảng nổi tiếng của đất Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Từ nhiều năm về trước, ông đã có thơ đăng trên các báo, trong đó có Báo Quân đội nhân dân (QĐND) Cuối tuần, nơi tôi từng công tác. Bài “Cái roi” ngày ấy đoạt giải cao nhất trong một cuộc thi thơ lục bát của Báo Giáo dục và Thời đại. Có cậu bé một lần nghịch dại bị mẹ cầm roi đét cho mấy cái, lớn lên anh đi bộ đội và hy sinh ở Trường Sơn. Câu kết thấm thía nỗi đau trong lòng bà mẹ liệt sĩ: Chân run, quờ chiếc gậy mòn/ Sợ cầm phải cái roi còn đâu đây.
Một “Phố Châu” bình dị của quê hương, với tấm lòng tràn đầy yêu thương, Đinh Phạm Thái đã có bài thơ hay in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội ngày ấy: Đêm Phố Châu/ Đường mòn mờ trăng/ Hạt mây khô rơi vào khoảng lặng/ Mắt em chờ... Nứa nổ suối lưu huỳnh/ Lư trầm hương tâm linh/ Hồn biên giới dấu chân Hải Thượng/ Cỏ cây hoang cứu sống con người. Cũng viết về quê hương, ông còn có bài đăng trên Báo QĐND Cuối tuần: Mai ta về Hương Sơn/ Lên tận nguồn sông Phố/ Gió Lào/ Con hươu sao cọ sừng trăng khuyết...
    |
 |
GS, TSKH, NGND, nhà thơ Đinh Phạm Thái. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp
|
Làm khoa học mà đầu óc không khô khan duy lý, thơ ông luôn tự nhiên, nhuần nhị: Kìa em cười lúm má hồng/ Đi trong se lạnh mà không thấy chiều (“Không đề”); Em níu giữ trái điều bằng chiếc sào cong/ Anh vô ý chạm vào gai mắc cỡ/ Một chút đau như là để nhớ (“Một thoáng Đồng Nai”)... Đến nay, Đinh Phạm Thái đã trình làng 4 tập thơ trữ tình-thế sự, tập nào cũng có nhiều bài đặc sắc, xúc động lòng người.
Một lần ông rủ tôi về quê ông, làng Gôi Mỹ thuộc xã Sơn Hòa (nay là xã An Hòa Thịnh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Một miền quê nghèo lụt lội, song là vùng quê văn hiến, có truyền thống chống ngoại xâm. Ông kể, dòng họ Đinh ở Hương Sơn khởi nguồn từ cụ tổ là Đại tướng quân Đinh Điền, một trong 4 bạn cờ lau thuở hàn vi của Vua Đinh Tiên Hoàng-Đinh Bộ Lĩnh (924-979). Sách “Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch cũng có đoạn ghi về cụ tổ họ Đinh Hương Sơn: “Đời Lê Hy Tông năm Chính Hòa thứ 13 (1692), Tham chính Sơn Tây là Đinh Nho, khi khảo xét (thành tích) đứng vào loại ưu, được thăng Thiêm đô ngự sử. Con cháu đông đúc, các đời có người văn học...”.
Cụ Đinh Nho Hoàn có tên trên bảng vàng tại Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong kỳ thi Canh Thìn, niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (năm 1700), đỗ Hoàng giáp. Sau gần hai năm đảm nhiệm chức Hiến sát sứ Sơn Tây, tháng 8-1704, cụ được triều đình bổ làm Đốc trấn Cao Bình (tức Cao Bằng). Trong thời gian khoảng 5 năm làm đốc trấn, cụ có công mở mang giao thương ở miền biên viễn và giảm phiền hà cho dân, một số thương lái Hoa đã dựng bia tại địa phương để ca tụng công đức của cụ. Khoảng năm 1710, cụ được triều đình bổ dụng trở lại kinh thành Thăng Long với chức Hữu thị lang bộ Công, sau được cử làm Phó sứ trong đoàn sứ thần sang triều Thanh, không may bị bệnh mất trên đường đi. Sự nghiệp văn học của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn khá rực rỡ. “Tổng tập văn học Việt Nam”, tập 6, thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 2000) đánh giá: “Thơ Đinh Nho Hoàn nhuần nhị, ngọt ngào và chứa chan tình cảm, ý vị, đẹp đẽ, thể hiện nồng nàn lòng yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc”.
Nhà thơ đương đại Đinh Phạm Thái còn có người anh ruột là nhà thơ tiền chiến Quỳnh Dao, tên thật là Đinh Nho Diệm. Mới 19 tuổi, thi sĩ Quỳnh Dao đã có tập “Tiếng chuông chiều” in chung với Liêu Kỳ Lộc, do Thụy Ký ấn hành năm 1937. Hai năm sau, ông cho ra mắt bạn đọc tập thơ riêng “Tơ trăng”, gồm 25 bài và lọt vào mắt xanh của Lê Tràng Kiều với lời nhận xét: “Càng đọc càng lạ, càng về sau bao nhiêu càng huyền ảo bấy nhiêu”. Thời gian Quỳnh Dao xuất hiện trên văn đàn chỉ khoảng 5 năm, ông dành cả cuộc đời còn lại dấn thân vào trường tranh đấu. Ông tham gia cách mạng từ năm 1944. Theo Báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh ra ngày thứ bảy (12-1-1946), Đinh Nho Diệm có tên trong số 74 vị ứng cử Quốc dân đại hội tại Hà Nội trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông lên Chiến khu Việt Bắc, rồi bẵng đi một thời gian dài gia đình không có tin tức, ông bị coi là “mất tích”. Mãi nhiều năm sau này, Đinh Phạm Thái, qua lời kể của những bạn tù Hỏa Lò với anh mình, đã chắp nối lại các sự kiện để có cái nhìn xuyên suốt về cuộc đời hoạt động đầy sôi nổi, cũng vụt tắt một cách bất ngờ của nhà thơ, nhà cách mạng Đinh Nho Diệm. Vào giữa năm 1947, trên đường đi công tác bên bờ sông Lô (Tuyên Quang), ông bị trúng loạt đạn “đum đum” của máy bay Pháp. Đinh Phạm Thái có bài “Tìm mộ” tưởng nhớ anh Diệm thật cảm động: Cất tiếng gọi anh thăm thẳm núi/ Thành Tuyên chạng vạng trời sâu/ Ngày anh đi em còn để chỏm/ Giờ sao đã đốm giữa bờ lau/ Dòng Lô cuộn vòng như chuỗi bạc/ Rặng Lai bóng xoáy mặt ghềnh/ Em chỉ muốn tìm trong đất đá/ Một chút gì xương thịt nơi anh...
Tôi còn ấn tượng về khả năng thấu hiểu “Truyện Kiều” của nhà thơ Đinh Phạm Thái. Năm 2020, Hội Kiều học Việt Nam mở Cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều”, trước Ban giám khảo, ông thuộc lòng cả tập với 3.254 câu lục bát và phân tích khúc chiết từng tình huống, điển tích, kết quả đoạt giải xuất sắc. Ở tuổi 86, mặc dù đang bị bệnh tật đeo bám, song ông vẫn lạc quan yêu đời, đặc biệt là sự hào hứng, yêu thích “Truyện Kiều” không hề giảm sút. Khi chia tay, ông bỗng hỏi tôi: "Anh có nhớ câu của Kim Trọng trong lần gặp lại Thúy Kiều sau 15 năm lưu lạc không?". Tôi lúng túng, ông cười, đọc luôn: Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời/ Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa... Khi bài viết này đang lên trang thì được tin nhà thơ vì tuổi cao, bệnh trọng đã từ trần hồi 4 giờ 30 phút ngày 12-3-2023, thọ 87 tuổi. Xin vĩnh biệt nhà giáo, nhà khoa học, nhà thơ Đinh Phạm Thái!
PHẠM QUANG ĐẨU