Học quên tuổi tác
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những ứng dụng hiện đại trở nên phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, nhiều tiện ích được thực hiện chỉ bằng một cái nhấp chuột trên máy vi tính hay điện thoại kết nối internet. Để không bị tụt hậu trong việc tiếp cận và làm chủ công nghệ, những người cao tuổi ở phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đã tổ chức lớp học về máy vi tính, internet ngay tại khu dân cư. Lớp học do Hội Khuyến học phường tổ chức với mong muốn xóa “khoảng trắng” kiến thức công nghệ thông tin (CNTT), hướng tới xây dựng thế hệ “công dân số” dành cho người cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên).
Bà Nguyễn Thị Tý, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Dịch Vọng Hậu cho biết: "Kể từ năm 2014 đến nay, các lớp tin học ngắn hạn được tổ chức tại trung tâm học tập cộng đồng ở các khu dân cư. Tất cả người dân trên địa bàn phường có nhu cầu đều có thể tham gia nhưng đa phần học viên là cán bộ hưu trí. Giảng viên của lớp là những sinh viên, kỹ sư chuyên ngành CNTT tình nguyện giảng dạy theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, học viên thực hành các kỹ năng ngay trên máy vi tính nên dễ hiểu, dễ nhớ".
Đến năm 2020, đã có 10 lớp tin học cơ bản được tổ chức với hàng trăm học viên tham gia. Cảm phục trước sự nhiệt tình ham học hỏi của các ông, bà, để giúp các lớp học được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp và đạt hiệu quả tốt hơn, năm 2020, Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) đã hỗ trợ bằng việc cử các thầy, cô giáo trong Tổ Tin học đứng lớp, dành riêng phòng máy vi tính cho học viên thực hành. Sau khóa học, Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức bế giảng, đánh giá kết quả học tập, trao chứng chỉ tin học cho các học viên.
Trao đổi với chúng tôi, nhà giáo Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh giá cao sáng kiến phổ cập tin học cho người dân, nhất là những người cao tuổi trong thời đại công nghệ, giúp họ tiếp cận nhanh chóng và sử dụng hiệu quả thông tin, dữ liệu phong phú trên mạng. Nhờ có kiến thức được học, những cán bộ, người cao tuổi ở khu dân cư có thể soạn thảo văn bản, thực hiện thủ tục hành chính công trên mạng một cách nhanh chóng, thuận tiện, không mất thời gian đi lại... Đặc biệt, trước sự tác động của dịch Covid-19, cư dân có thể nhanh chóng kết nối, thành lập các nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook để trao đổi thông tin dịch bệnh, đăng ký tiêm chủng... Bên cạnh đó, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhờ làm chủ CNTT nên nhiều hoạt động của các tổ dân phố, các hội, đoàn thể không bị “đứt gãy”. Các cuộc họp qua ứng dụng Zoom được triển khai; người chủ trì, điều hành là các bà, các ông ở tuổi 60, 70.
Theo bà Nguyễn Thị Tý, đầu năm học 2021-2022, trong thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, hội khuyến học đã tổ chức thành công hội nghị trực tuyến biểu dương và động viên 180 thầy, cô giáo, học sinh có thành tích xuất sắc trên địa bàn phường qua ứng dụng Zoom. Các tổ dân phố cũng quan tâm tổ chức Tết Trung thu trực tuyến để các cháu gặp nhau, phá cỗ trông trăng qua mạng...
|
|
Lớp tin học dành cho người cao tuổi ở phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). |
Những công dân gương mẫu chuyển đổi số
Cán bộ tổ dân phố phần nhiều là người hưởng chế độ hưu trí. Việc quản lý khu dân cư với số lượng dân cư đông khiến họ gặp một số khó khăn trong việc kết nối, triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Để khắc phục hạn chế này, các ông, bà đang cố gắng làm chủ công nghệ và biến công nghệ thành công cụ để phục vụ tốt hơn cho công việc của mình. Ngoài các nhóm Zalo, Facebook, nhiều khu dân cư đã thành lập fanpage riêng để kết nối cư dân. Vì thế, ở thời điểm giãn cách xã hội hoặc hạn chế tập trung đông người để phòng, chống dịch, các hoạt động ở khu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội vẫn được duy trì thông suốt.
Ở tuổi ngoài 70, ông Trần Văn Hưng, Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố Phúc Lý 2 (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) vẫn xốc vác, tham gia nhiệt tình trực chốt vùng xanh, phối hợp kiểm soát khu dân cư. Nhiều lúc lại thấy ông xắn tay cùng bà con dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh... Ông kể: Nhờ nhóm Zalo dân cư hoạt động hiệu quả nên các chủ trương, chính sách, chỉ đạo công việc của cấp trên xuống được triển khai thuận lợi, nhanh chóng. Thậm chí, chỉ sau vài ngày nhận được chủ trương tiêm vaccine ngừa Covid-19, tổ dân phố của ông đã hoàn thành việc kê khai, đăng ký tiêm, dù thời điểm đó thành phố đang giãn cách xã hội.
Từ nền tảng tổ dân phố điện tử được xây dựng trước đó, ông Lê Thanh Mẽ, Tổ trưởng tổ dân phố số 7 (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) đã lập thành 3 nhóm Zalo. Đại diện các gia đình của 280 hộ dân trên địa bàn đều tham gia nhóm Zalo nên việc nắm bắt thông tin, chủ trương của chính quyền các cấp rất kịp thời. "Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ nên mọi việc đều triển khai rất trôi chảy”, ông Lê Thanh Mẽ cho biết. Từng là giảng viên Trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội, phát huy khả năng sử dụng thành thạo các ứng dụng trên máy vi tính, từ thông tin của các hộ dân qua đợt đăng ký tiêm chủng, ông Lê Thanh Mẽ đã nhập dữ liệu vào bảng biểu trong máy tính để lập riêng “dữ liệu dân cư” của tổ dân phố một cách rất khoa học, thuận tiện bóc tách dữ liệu phục vụ yêu cầu công việc sau này. Chỉ cần một cái nhấp chuột là ông có ngay dữ liệu dân số như: Số lượng trẻ em, người cao tuổi, số người có thẻ bảo hiểm y tế... mà không cần mất thời gian vào sổ lưu trữ.
Đánh giá cao sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của những công dân gương mẫu trong việc ứng dụng công nghệ, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của chính quyền ở cơ sở, ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm bày tỏ: "Rất nhiều cán bộ tổ dân phố dù tuổi cao nhưng vẫn nỗ lực ứng dụng CNTT, không chỉ kịp thời truyền tải thông tin chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội và quận mà còn vận động, kêu gọi sự đóng góp rất lớn của nhân dân cả về vật chất, tinh thần để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương".
Bài và ảnh: MINH VÂN