Lại thêm 9 ca nữa... Bóng điện ở các phòng đồng loạt bật sáng... Một ngày mới của những chiến sĩ áo trắng ở Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi bắt đầu, tất bật, khẩn trương như thế!

Bác sĩ khổ để bệnh nhân sướng

Đã 3 tuần bác sĩ Lưu Triều Đạt cùng đồng nghiệp ở Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5) luân phiên thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khu vực Củ Chi. Ngày mới tới bệnh viện dã chiến, dù đã có kinh nghiệm công tác lâu năm trong ngành, nhưng anh chưa từng nghĩ áp lực công việc lại lớn đến vậy. Thời gian toàn thành phố thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kéo dài, số ca nhiễm bệnh tăng nhanh từng ngày. Hiện tại, theo mô hình “tháp 3 tầng”, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi thuộc tầng 2, đang đảm nhiệm điều trị 396 bệnh nhân có triệu chứng, có bệnh lý nền kèm theo (tính đến 9 giờ 30 phút ngày 24-8).

Bác sĩ Lưu Triều Đạt tâm sự: “Từ ngày thực hiện nhiệm vụ tại đây, dường như chúng tôi không còn khái niệm ngày, đêm, không nghĩ tới thời gian nghỉ. Tất cả đều làm việc hết công suất trong mỗi ca trực để vừa tiếp nhận, phân luồng bệnh nhân, vừa thăm khám, điều trị, động viên những bệnh nhân có triệu chứng bất thường... Chúng tôi xác định, bác sĩ khổ thì bệnh nhân sẽ sướng. Chúng tôi tình nguyện nhận cái khổ về mình để bảo vệ tốt nhất sức khỏe bệnh nhân”.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Trường Quân sự (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) phục vụ tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi.

Dẫn chúng tôi tới khu cách ly đặc biệt-nơi điều trị các bệnh nhân Covid-19 có bệnh lý nền kèm theo, anh Đạt giới thiệu: “Ở đây, bác sĩ phải làm cả công việc của điều dưỡng viên, điều dưỡng viên làm cả công việc của hộ lý. Họ hỗ trợ nhau làm việc không phân biệt, không chờ đợi, chạy đua cùng thời gian với quyết tâm không để bệnh nhân diễn tiến nặng lên, hạn chế đến mức thấp nhất phải chuyển bệnh nhân lên tầng cao hơn (tầng 3 theo mô hình tháp điều trị-PV)”. Đang đi, anh Đạt nghe điện thoại, rồi lập tức chạy tới phòng bệnh. Trên hành lang cũng có hai nhân viên y tế chạy sang phòng đó. “Chắc có bệnh nhân diễn tiến xấu”-tôi đoán vậy rồi định chạy theo, nhưng bị hộ lý ngăn lại bởi khu vực không an toàn.

Đứng cách xa gần chục mét nhìn vào phòng bệnh, các bác sĩ, điều dưỡng viên đang cấp cứu cho một nữ bệnh nhân. Ai nấy đều khẩn trương, bước đi vội vã. Thế mới biết mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta và khả năng phát bệnh nhanh đến mức nào! Áp lực công việc, lưu lượng bệnh nhân tăng cao khiến bác sĩ, nhân viên y tế ở các bệnh viện điều trị Covid-19 vô cùng căng thẳng, vất vả, hiểm nguy.

Sau khoảng 15 phút, một nhân viên y tế bước ra khỏi phòng. Đi qua chỗ tôi đứng, chị nói như giải thích: “Khu vực này nguy cơ lây nhiễm rất cao, anh thông cảm! Tình trạng bệnh thay đổi thất thường, gấp gáp. Anh thấy đấy, chỉ cần có thông báo một ca bệnh trở nặng là lập tức chúng tôi phải chạy tới ngay chứ không thể đi bình thường như trước”. Ca bệnh đó là bệnh nhân Trần Thị L, quê ở TP Thủ Đức. Bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền, sốt cao liên tục nhiều ngày, tiêu chảy, phải truyền nước, đường huyết tăng, chỉ số viêm tăng, phổi có tổn thương nhẹ, mỗi ngày phải đo SpO2 (nồng độ bão hòa ôxy trong máu ngoại vi) ít nhất hai lần...

“Chúng tôi đang cố gắng hết sức để điều trị triệu chứng, giảm đến mức tối thiểu nguy cơ cho bệnh nhân. Qua hội chẩn, các chỉ số sinh tồn tiến triển tích cực nên chúng tôi tiếp tục lưu bệnh nhân để điều trị, theo dõi, chưa cần phải chuyển lên tuyến trên. Mình vất vả nhưng sẽ bớt khổ cho bệnh nhân”, bác sĩ Lưu Triều Đạt nói.

Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực giảm tải cho các bệnh viện điều trị Covid-19, nhất là bệnh viện hồi sức, cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch; chuyển trọng tâm chống dịch sang điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong và tăng cường tiêm vaccine ngừa Covid-19. Bởi vậy, các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị phát huy hết khả năng để góp phần giảm tải cho bệnh viện tầng trên. Biết rằng giữ bệnh nhân lại để điều trị là thêm phần mệt nhọc cho đội ngũ thầy thuốc vốn đã quá vất vả, nhưng lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc không cho phép họ đùn đẩy, thoái thác, phải nỗ lực hết mình vì sức khỏe, tính mạng người bệnh.

Vì bệnh nhân, chúng tôi luôn cố gắng!

Ở bệnh viện dã chiến này, công việc của các bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ lý diễn ra khá trôi chảy. Từ sáng sớm, các hộ lý là những chiến sĩ thuộc Trường Quân sự (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) đưa bữa sáng tới cho bệnh nhân; điều dưỡng viên, y tá đo mạch, nhiệt độ, huyết áp tại giường rồi tổng hợp báo với bác sĩ, đồng thời phát thuốc theo chỉ định. Các bác sĩ sau khi đến khám từng phòng sẽ bổ sung chỉ định cần thiết để điều trị theo phác đồ. Trong khoảng thời gian này, các chiến sĩ nhận và chuyển hàng tiếp tế của gia đình gửi cho bệnh nhân, phun khử khuẩn các khu vực có nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rồi chuẩn bị nhận suất ăn trưa phục vụ bệnh nhân... Công việc tiếp tục lặp lại vào buổi chiều. Ấy là trường hợp không có diễn biến đột xuất, hoặc ít bệnh nhân nhập viện. Còn hiện nay thì khác...

Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Quân sự (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) kiêm Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi, cho biết: "Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện tăng nhanh nên công việc hằng ngày của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế và các chiến sĩ phục vụ thay đổi liên tục, cường độ làm việc cao hơn rất nhiều. Bất kể ngày đêm, chúng tôi luôn phải sẵn sàng tiếp nhận các ca bệnh chuyển đến. Lãnh đạo bệnh viện và các bác sĩ hội chẩn liên tục để có phác đồ điều trị thích hợp. Ngay cả việc sắp xếp, bố trí phòng ở của người bệnh cũng phải rất khoa học, hợp lý để bảo đảm an toàn trong quá trình điều trị. Tất cả cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, chiến sĩ phục vụ tại bệnh viện đều xác định phải nỗ lực hết mức, làm việc quên thời gian với tâm nguyện lớn nhất là bảo vệ bệnh nhân để họ sớm bình phục, được trở về với gia đình, người thân. Vì bệnh nhân, chúng tôi luôn cố gắng!”.

leftcenterrightdel

Bác sĩ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi thăm khám bệnh nhân.

Cách Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi không xa là Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi, được chuyển công năng từ Bệnh viện huyện Củ Chi, chính thức nhận bệnh nhân Covid-19 từ ngày 13-6-2021. Bệnh viện hiện đang điều trị hết công suất 500 giường bệnh, trong đó khoảng 130 bệnh nhân phải thở máy. Tại phòng hồi sức tích cực của bệnh viện, một nữ điều dưỡng vừa ân cần xoa nắn vai, tay, vỗ lưng cho bệnh nhân, vừa hỏi: “Bác có thấy dễ chịu hơn không?”. Không có tiếng trả lời, chỉ thấy đầu bệnh nhân gật gật.

Cạnh đó có hai bệnh nhân đang phải thở máy. Nữ điều dưỡng lần lượt kiểm tra tình trạng bệnh nhân, rồi ghi chép tỉ mỉ vào sổ theo dõi bệnh. Nữ điều dưỡng đó là Nguyễn Thị Hồng Thắm. Chị được giao nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 ngay từ ngày đầu tiên bệnh viện chuyển công năng. Hơn hai tháng bám trụ trong bệnh viện, chị chỉ liên lạc với gia đình sau ca trực, nhưng cũng chỉ tranh thủ, bởi công việc tất bật tối ngày, bệnh nhân nặng luôn cần chị giúp đỡ. Chị Thắm tâm sự: “Khi bị mắc bệnh, ai cũng lo sợ, dẫn đến căng thẳng, hoang mang. Bởi vậy, chúng tôi tự nhủ, mình phải thật vững tâm để không những chữa trị, chăm sóc cho người bệnh mà còn là chỗ dựa tinh thần giúp họ yên tâm điều trị, cải thiện tình trạng bệnh”.

Đợt dịch thứ tư bùng phát, kéo dài với sức tàn phá khủng khiếp mà TP Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ở tuyến đầu chống dịch, lực lượng y tế giữ trọng trách lớn lao, phải gác lại niềm riêng, ngày đêm giành giật sự sống cho đồng bào. “Dịch bệnh vẫn còn phức tạp, chưa biết đến bao giờ mới dứt. Tôi đã xác định tư tưởng, thông báo về nhà và tiếp tục ở lại cùng đồng nghiệp chống dịch. Chỉ mong sao mọi người được bình an”, chị Thắm bộc bạch.

Những ngày đầu tháng 8, cái nắng gay gắt của thời tiết phương Nam khiến mảnh đất Củ Chi ngột ngạt, nóng bức. Thêm vào đó là sức “nóng” của dịch bệnh diễn biến khó lường, số ca nhập viện gia tăng càng khiến cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế cùng lực lượng phục vụ tại các bệnh viện chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 bội phần nhọc nhằn, gian khổ. Bữa ăn của họ cũng diễn ra vội vàng, chớp nhoáng, có khi mệt quá, suất cơm hộp nuốt không trôi. Giấc ngủ chập chờn bởi tiếng còi xe cứu thương và những thông báo khẩn khi bệnh nhân trở nặng... Thế nhưng, vượt lên những vất vả, khó khăn và nguy cơ lây nhiễm, những chiến sĩ áo trắng vẫn lặng lẽ xả thân, quên mình cống hiến vì sức khỏe nhân dân với niềm tin thành phố sẽ sớm bình yên trở lại...
-----------------
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP

Bài và ảnh: CHÂU GIANG - QUỐC VINH