Trưởng thành trong trường học lớn
Buổi luyện tập đội ngũ của nữ chiến sĩ mới thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn 5 (Trường Quân sự Quân khu 7) diễn ra dưới cái nắng phương Nam oi bức. Sau khẩu lệnh: “Bắt đầu tập... Cử động 1... Cử động 2”, những cô gái xinh xắn vốn “chân yếu tay mềm” đứng nghiêm trong hàng theo từng tiểu đội, nâng tay, bước chân khá đều và thẳng tắp. Cứ thế, tay nọ, chân kia, các nữ chiến sĩ thực hành luyện tập điều lệnh đội ngũ theo nhịp hô của người chỉ huy, mặc cho mồ hôi ướt đầm lưng áo.
Tranh thủ giờ giải lao, chúng tôi hỏi chuyện chiến sĩ Nguyễn Trang Hương Trúc, 23 tuổi, quê ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, cô cho biết: “Từ lúc báo thức đến giờ, chúng tôi đã thực hiện được 5 chế độ trong ngày rồi đấy! Mệt nhưng vui, vất vả nhưng ai cũng khỏe ra, ăn ngon, ngủ ngon, đặc biệt là nhanh nhẹn, giờ nào việc nấy. Tôi thấy mình “lớn lên” cả trong suy nghĩ và hành động”. Hương Trúc tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Trường Cao đẳng Kinh tế TP Hồ Chí Minh, năm 2022. Noi gương bố từng là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Campuchia, em quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Đang trò chuyện cùng Hương Trúc, tôi chợt nghe những tiếng cười giòn tan và tràng pháo tay rộn rã từ một nhóm nữ chiến sĩ mới đang ngồi nghỉ dưới bóng cây xanh mát. Hóa ra, các cô gái đang cổ vũ cho giọng ca của đồng đội, xua tan bao mệt nhọc trên thao trường. Theo Thiếu tá QNCN Lê Thị Hằng, Chính trị viên phó Đại đội 12: Nữ chiến sĩ đang hát là Lê Thị Nguyệt Anh, 24 tuổi, quê ở TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyệt Anh là cử nhân thanh nhạc, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Trước khi nhập ngũ, cô công tác tại Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không-Không quân. Tại đây, Nguyệt Anh đã đăng ký tham dự giải Sao Mai toàn quốc 2022, lọt vào top 5 và đoạt giải Ngôi sao hy vọng. Dù mới chính thức được “mang trên mình màu xanh yêu thương”, nhưng Nguyệt Anh rất tự tin, bản lĩnh, sôi nổi và hăng hái học, rèn, tích cực tham gia các hoạt động ngoài giờ tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong đơn vị. Nữ cử nhân thanh nhạc tâm sự: “Nhập ngũ, tôi mới cảm nhận được môi trường Quân đội thực sự là trường học lớn giúp chúng tôi tu dưỡng, trưởng thành. Chính đặc trưng kỷ luật, chính quy, dân chủ và tình cảm đồng chí, đồng đội giúp chúng tôi sống có trách nhiệm hơn, biết mình vì mọi người, vì tập thể”.
|
|
Nhiều nữ cử nhân-chiến sĩ mới được nhà trường khen thưởng. |
Ở đại đội nữ chiến sĩ mới, Huỳnh Trần Diễm Thúy, 24 tuổi, quê ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh có dáng người nhỏ nhắn, dong dỏng cao nhưng cô có sức khỏe khá bền bỉ, hăng hái tham gia các hoạt động ngoài giờ cùng đồng đội. Năm 2022, sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành lưu trữ tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh, Diễm Thúy viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Cô chia sẻ: “Tôi rất vui khi được bố mẹ đồng thuận và động viên nhập ngũ. Mẹ tôi là cán bộ ngành công an, bố tôi từng phục vụ trong Quân đội nên từ nhỏ tôi đã học được thói quen ngăn nắp, tự lập, tự giác. Vào môi trường quân ngũ, tôi được cán bộ, chỉ huy đơn vị quan tâm, chăm lo chu đáo về bữa ăn, giấc ngủ, rèn luyện, huấn luyện tỉ mỉ giúp tôi và đồng đội yên tâm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Vào quân ngũ, ý thức trách nhiệm và nỗ lực của bản thân đã giúp những cô gái trẻ trưởng thành lên từng ngày và đặt niềm tin, quyết tâm cao nhất để chinh phục các nội dung huấn luyện. Diễm Thúy cũng như các nữ chiến sĩ mới khác, tất cả đều đang bước vào một chặng đường đáng nhớ của tuổi trẻ, chặng đường đầu tiên trong những tháng năm quân ngũ mà Trường Quân sự Quân khu 7 chính là cái nôi khởi đầu cho những năm tháng không quên ấy.
Truyền cảm hứng, lan tỏa thi đua
Trong đội ngũ nữ chiến sĩ mới của Trường Quân sự Quân khu 7 thì hầu hết đều có trình độ cao đẳng, đại học, chủ yếu chuyên ngành luật kinh tế, y dược, văn hóa nghệ thuật, sinh học... Mỗi cô gái đều có tài lẻ, năng khiếu riêng và phát huy tốt sở trường cống hiến cho tập thể. Trong đó, Phan Ngọc Phương Thảo, 24 tuổi, quê ở huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu) là một cô gái khá đặc biệt. Trước khi nhập ngũ, Thảo từng công tác tại Trung tâm Thể dục-Thể thao Quốc phòng II (Quân khu 7). Dáng người cao lớn, chắc khỏe lại là kiện tướng quốc gia vovinam nên những môn học thể chất trong giai đoạn huấn luyện chiến sĩ mới chẳng thấm tháp gì với nữ võ sĩ có gần 10 năm học nghề. Phương Thảo bộc bạch: “Chuyên ngành quân sự thì môn học nào cũng có cái khó riêng và đòi hỏi về sức khỏe, đặc biệt là ý chí quyết tâm. Với kinh nghiệm của mình, tôi hướng dẫn thêm cho đồng đội biện pháp rèn luyện thể lực tốt nhất để có sức khỏe dẻo dai, hạn chế đau cơ bắp, nhất là khi tập ke chân, ke tay, ném lựu đạn, chạy dài, võ thuật... để đáp ứng yêu cầu huấn luyện”.
Phương Thảo học võ từ năm 14 tuổi, tại Trung tâm Thể dục-Thể thao TP Thủ Đức. Sau này công tác tại Trung tâm, Phương Thảo vừa làm việc, vừa dành thời gian dạy thêm vovinam vào buổi tối để có thu nhập trang trải cuộc sống và "truyền lửa” nghề cho thế hệ đàn em. Ở đơn vị, Phương Thảo luôn nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn đồng đội trong các môn học thể chất, tiếp thêm nghị lực để những nữ chiến sĩ mới vượt khó, vươn lên rèn nghiêm, học giỏi, tạo thành phong trào thi đua rèn luyện thể lực. Chiến sĩ Lê Thị Thanh Hà, quê ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Phương Thảo có nguồn năng lượng tích cực, lạc quan, yêu đời và lòng nhiệt huyết nên đã truyền cảm hứng cho chúng tôi thi đua học tập, rèn luyện”.
Cũng là một hạt nhân trong phong trào của đơn vị, nữ chiến sĩ Lê Thị Hoài Hương, 23 tuổi, quê ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), có năng khiếu văn nghệ. Hương từng tham gia nhiều cuộc thi tuyên truyền viên giỏi tại địa phương trong vai trò “diễn viên” các chương trình sân khấu hóa. Năm 2021, Hương tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng. Nối nghiệp gia đình có ông, bà, cô, chú đều là bộ đội, Hương đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự. Lần đầu tiên được vào miền Nam, lại học rèn trong môi trường quân ngũ nhưng Hương nhanh chóng bắt nhịp và tỏ ra chững chạc trong lời nói, việc làm. Quá trình học 15 bài hát quy định, hay các buổi sinh hoạt Đoàn, bằng năng khiếu của mình, Hương tận tình giúp đỡ đồng đội học hát nhanh thuộc, nhớ lời, đúng nhạc; sẵn sàng hướng dẫn đồng đội về công nghệ thông tin trong giờ nghỉ, ngày nghỉ; giúp cán bộ đơn vị về kỹ thuật máy tính... Trong các chương trình văn nghệ của đơn vị, thi vũ điệu chiến sĩ, thi cắm hoa, sinh nhật tập thể, những nữ chiến sĩ mới như: Hoài Hương, Nguyệt Anh, Thanh Thư, Thu Hiền, Bích Liên, Phương Thảo... đều hăng hái tham gia, qua đó thổi luồng gió mới, thúc đẩy phong trào thi đua toàn diện của đơn vị.
|
|
Các nữ chiến sĩ mới luyện tập đội ngũ. Ảnh: HẢI YẾN
|
Theo đánh giá của Ban chỉ huy Đại đội 12, hiện tại, những nữ chiến sĩ mới nói chung và nữ cử nhân-chiến sĩ mới nói riêng đều có kết quả học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao; nhiều đồng chí còn được chọn tham gia các chương trình văn nghệ của nhà trường. Dù gặp không ít khó khăn nhưng các nữ chiến sĩ mới đều nỗ lực vượt qua để học tập, rèn luyện kể cả với những môn khó, như: Bơi, võ thuật, ném lựu đạn, các tư thế vận động trên chiến trường...
Ý thức tự giác, quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, sôi nổi tham gia hoạt động phong trào là những đặc trưng nổi bật ở các nữ chiến sĩ mới; trong đó, các nữ cử nhân-chiến sĩ mới là những hạt nhân tiêu biểu. Thiếu tá Nguyễn Thái Dương, Đại đội trưởng Đại đội 12 cho biết: “Những “bóng hồng” của đơn vị tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng đều có điểm chung là tinh thần khát khao cống hiến và mong muốn phục vụ lâu dài trong Quân đội. Những khát khao đó đã biến thành sức mạnh nội sinh để các nữ chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập, phấn đấu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH