Ông Hoàng Tiến Mạnh sinh năm 1962, thường trú ở khu Hà Liễu, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ông được đào tạo bác sĩ, chuyên ngành sản khoa. Khi mới tốt nghiệp, ông công tác ở trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em thuộc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú (sau này là Sở Y tế tỉnh Phú Thọ). 8 năm sau đó, ông chuyển về làm chuyên viên phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ. Từ năm 2003, ông Mạnh là thanh tra viên và đến năm 2013 thì được bổ nhiệm Phó chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Phú Thọ.

Với trách nhiệm được giao, ông cùng đồng nghiệp tích cực giải quyết các vụ khiếu kiện, khiếu nại, oan sai. Nhờ vậy, đến nay, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Phú Thọ không còn vụ việc tồn đọng nào. Trong quá trình giải quyết các vụ việc, ông gặp không ít vụ kéo dài nhiều năm, đã xử lý qua nhiều lần; có những hoàn cảnh rất éo le, phức tạp, người dân đưa đơn đi khiếu nại nhiều nơi, qua nhiều cấp nhưng vẫn không giải quyết được. Khi được giao nhiệm vụ giải quyết từng trường hợp, ông luôn thể hiện cách nhìn toàn diện, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, đủ điều kiện đối chiếu văn bản pháp luật để tham mưu cho lãnh đạo sở, lãnh đạo tỉnh ra quyết định chính xác, bằng các hình thức phù hợp. Trong đó có những vụ, thời gian khiếu nại đã 10 năm, 15 năm hoặc nhiều hơn. Đơn cử như ngày 13-12-2019, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã tiến hành đối thoại và hòa giải thành công vụ khiếu nại của công dân Bùi Thị Kiệm về việc khiếu nại Quyết định số 345 ngày 16-9-1982 của Trưởng ty Y tế tỉnh Vĩnh Phú (nay là Sở Y tế tỉnh Phú Thọ) trong vấn đề buộc thôi việc một nhân viên tại Bệnh viện Việt Trì. Đây là vụ việc đã kéo dài gần 40 năm. Cảm động trước cách giải quyết thấu tình đạt lý, khi nhận được tiền hỗ trợ, bà Bùi Thị Kiệm đã nói: “Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ được cầm số tiền lớn (160 triệu đồng) như vậy”. Quả là một kết cục có hậu, kịp thời, trước khi bà qua đời năm 2020.

Cuối năm 2019, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ nhận được Công văn số 9309/VPCP-VI của Văn phòng Chính phủ thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) về việc tìm, xác minh hồ sơ cán bộ đi B thuộc Ủy ban Thống nhất của Chính phủ trước đây. Cuộc hành trình kêu cứu của ông Nguyễn Ngọc Lợi, sinh năm 1952, là bác sĩ, cựu chiến binh, đã 32 năm, với 6 nhiệm kỳ, được cả 3 Thủ tướng lưu tâm, nhưng các cơ quan liên quan vẫn chưa giải quyết xong, thậm chí có nơi đùn đẩy, chối bỏ trách nhiệm. Ông Nguyễn Ngọc Lợi khiếu nại qua nhiều cấp, nhiều ngành, với những kết luận trái ngược nhau có tính chủ quan, trù dập và thiếu trách nhiệm, đẩy một cựu chiến binh không được hưởng chế độ người có công, một con người đến chỗ không có việc làm, không được hành nghề, không có lương, không được đăng ký kết hôn, con không có hộ khẩu... "Đồng chí Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi với lời dặn: “Dù có sai, phải bồi thường thì cũng phải quyết tâm giải quyết dứt điểm, không để vụ việc tồn đọng kéo dài”, ông Hoàng Tiến Mạnh nhớ lại.

leftcenterrightdel

 Ông Hoàng Tiến Mạnh. 

Khi nhận trách nhiệm Tổ trưởng Tổ xác minh hồ sơ cá nhân của ông Nguyễn Ngọc Lợi, ông Mạnh cũng có nhiều tâm tư, suy nghĩ: “Sự việc chắc chắn có những uẩn khúc phức tạp liên quan đến nhà trường-nơi tôi và ông Lợi cùng được đào tạo. Nếu vụ việc được làm sáng tỏ, liệu có ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường? Mặt khác, nếu liên quan đến Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, thì sẽ tác động như thế nào với cả những người đã nghỉ hưu và đương chức, rồi sẽ ảnh hưởng đến bản thân và gia đình mình ra sao?... Nhưng cứ đặt mình vào hoàn cảnh 32 năm chịu nhiều khổ cực như ông Lợi thì thấy trách nhiệm phải vượt qua khó khăn, trở ngại, không cho phép mình chùn bước...”, ông Mạnh bộc bạch.

Trong đơn khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi gửi Thủ tướng có hai nội dung chính cần giải quyết ngay: (1) Trường trả hồ sơ gốc để ông Lợi làm chế độ kháng chiến và chế độ nghỉ hưu; (2) Trường bồi thường tiếp tiền lương do ông Lợi đã mất việc làm (trừ 5 tháng đã bồi thường) và đóng bảo hiểm đúng tỷ lệ cho ông Lợi theo quy định.

Ông Mạnh đã thu thập, tìm kiếm và đọc kỹ các tài liệu, trong đó có những lá đơn có bút phê của Thủ tướng Phan Văn Khải gửi các cơ quan chức năng. Mọi khúc mắc của ông Lợi khởi nguồn trong thời gian học tập tại trường... Qua phân tích văn bản bàn giao Hồ sơ số 236/YBT/BB giữa Trường Đại học Y Bắc Thái (nay là Trường Đại học Y Dược-Đại học Thái Nguyên) và Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú, ông Hoàng Tiến Mạnh nhận định, đây là văn bản bàn giao hồ sơ nhân sự vừa sai với khung quy định của pháp lý, vừa thiếu những văn bản cần thiết và thừa những văn bản bất lợi cho nhân sự. Sự bàn giao này khiến ông Lợi đi tìm hồ sơ gốc suốt 32 năm. “Quả bóng hồ sơ”của ông Lợi cứ đá từ cơ quan này sang cơ quan khác. Từ những phân tích trên, ông Hoàng Tiến Mạnh nhận định hồ sơ gốc của ông Lợi chắc chắn vẫn nằm ở Trường Đại học Y Dược-Đại học Thái Nguyên.

Trong buổi làm việc, đối thoại trực tiếp giữa Sở Y tế tỉnh Phú Thọ với Trường Đại học Y Dược-Đại học Thái Nguyên, ông Hoàng Tiến Mạnh đã trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc, không ngại va chạm... Cuối cùng, với sự kiên trì tìm hiểu, theo đuổi đến cùng sự việc của ông Hoàng Tiến Mạnh, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc kiểm tra, rà soát hồ sơ của ông Lợi. Sau 15 ngày, Thanh tra Chính phủ đã sao chụp được 57 tài liệu, trong đó 44/57 là bản gốc, sao y và sao y bản chính liên quan đến sinh hoạt, học tập của ông Lợi trong thời gian ở trường. Những nội dung đó đã giúp Thanh tra Chính phủ kết luận thể hiện trong Thông báo số 262/TB-TTCP ngày 23-2-2021. Theo đó, Trường Đại học Y Dược phải trả lại hồ sơ gốc cho ông Nguyễn Ngọc Lợi, đồng thời trả lại tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội theo diễn biến của tiền lương và giải quyết quyền lợi người có công theo quy định của pháp luật. Nhận được thông báo, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi xúc động cho biết: “Tôi như được khai sinh lại ở cái tuổi gần đất xa trời. Quyền lợi vật chất sẽ được phục hồi nhưng thứ đáng giá hơn với tôi là danh dự được trả lại".
Với thành tích xuất sắc của ông Hoàng Tiến Mạnh, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện thoại trực tiếp biểu dương khen ngợi ông. Trong một lần lên Phú Thọ công tác, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gặp ông Hoàng Tiến Mạnh để động viên, thăm hỏi.

Với cơ quan chuyên môn cấp trên, Thanh tra Chính phủ đánh giá kết luận rà soát của ông Hoàng Tiến Mạnh được ghi nhận, mang giá trị cao, có ý nghĩa rất quan trọng, được sử dụng để các cơ quan có cơ sở giải quyết vụ việc. UBND tỉnh Phú Thọ cũng khẳng định kết quả thanh tra của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã góp phần giải quyết dứt điểm vụ việc, có tác dụng tuyên truyền, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xác minh, tham mưu, đề xuất giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành thanh tra Phú Thọ.

Trong quá trình công tác, ông Hoàng Tiến Mạnh nhiều năm liền được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2018, ông được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm 2019 và năm 2020 được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tặng bằng khen. Đặc biệt, năm 2021 vừa qua, trong đại dịch Covid-19, bác sĩ Hoàng Tiến Mạnh cùng các thành viên trong gia đình đã tình nguyện đóng góp tích cực cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh tại địa phương cũng như tại các bệnh viện dã chiến ở một số địa bàn: Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh...

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc nói: “Ông Hoàng Tiến Mạnh là một công chức và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi được giao công việc, ông Mạnh đã nêu cao trách nhiệm, không né tránh, không đùn đẩy, luôn thể hiện bản lĩnh trong những việc phức tạp, có trí tuệ, sáng tạo, năng động, quyết tâm, tận tụy trong giải quyết vụ việc. Ông Mạnh là cán bộ có tâm trong sáng, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người dân, luôn đặt mình vào địa vị của người dân để lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông với nguyện vọng của người dân”...

Bài và ảnh: TRẦN CÔNG HUYỀN