Hồi ức thời thơ bé
Các cụ cao tuổi trong làng kể rằng, chợ thành lập từ bao giờ chưa có tài liệu khẳng định. Theo truyền thuyết thì chợ có tới ngàn năm họp theo phiên của vùng Đông Ngàn-Kinh Bắc. Đây là dịp cả làng như vỡ òa trong không khí Tết, nơi những đứa trẻ háo hức “mở hầu bao” tiết kiệm của mình để thỏa sức vui chơi và mua sắm.
Chợ Hai Nhăm nổi tiếng cả với những làng lân cận, đặc biệt với trẻ em. Hồi còn nhỏ, lũ trẻ chúng tôi thường được bố mẹ chuẩn bị cho một con heo nhựa hoặc một ống tre bé, có hai đầu kín, ở giữa khoét một đường nhỏ vừa đủ để nhét những đồng tiền mừng tuổi. Cả năm trời, tôi dồn những đồng tiền lẻ bố mẹ cho hay đôi ba nghìn đồng mỗi lần làm việc vặt được thưởng vào đó. Rồi đến đêm 24 tháng Chạp, như một “nghi lễ” không thể thiếu, tôi cùng mấy đứa trẻ trong xóm háo hức chẻ ống tre. Tất cả cùng đếm tiền, ríu rít khoe nhau: "Năm nay tớ được nhiều hơn năm ngoái", hay: "Không biết chợ năm nay có bán đồ chơi mới không?". Sự kiện chẻ ống tre ấy gần như mở đầu cho mùa Tết của lũ trẻ.
Cái không khí “cả đêm không ngủ được” là ký ức mà mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn thấy lồng ngực mình thổn thức. Thế rồi trời vừa tảng sáng, tôi đã thấy tiếng í ới gọi nhau: “Đi chợ thôi!”. Vậy là bao nhiêu uể oải, giá lạnh cũng tan biến, nhường chỗ cho niềm phấn khích khôn tả. Người bán hàng ở chợ Hai Nhăm cũng háo hức đến phiên chợ để được phục vụ các "thượng đế trẻ". Có những quầy hàng, cả năm họ chỉ bày sạp bán một lần, không hẳn để kiếm lời mà để tận hưởng niềm vui khi nhìn lũ trẻ tíu tít chọn đồ. Mỗi khi ngắm những đứa trẻ ấy, họ như thấy lại chính mình ngày bé. Những ký ức ngọt ngào của tuổi thơ ùa về, ấm áp và dịu dàng như nắng mai khiến họ thấy lòng mình trẻ lại, như được sống thêm một lần trong những ngày xưa yêu dấu.
Cứ vậy, khi mặt trời chưa ló rạng, người dân đã nườm nượp kéo nhau về chợ. Giữa chợ là đường giao thông rộng rãi để bày bán quầy, sạp, không gian vui chơi cho lũ trẻ và người dân dạo chợ. Không khí phiên chợ cũng khác hẳn. Người già hỉ hả, không khó tính như ngày thường. Chợ đông như nêm người mà không cần bảo vệ. Khách hàng đa phần là trẻ em. Một không khí rộn ràng và ấm áp, náo nhiệt nhưng không xô bồ.
Vì là chợ dành cho trẻ em nên ở đây có nhiều khu vui chơi, bày bán đồ chơi rực rỡ sắc màu cùng những gian hàng bán đồ ăn vặt. Nào là quầy bán tò he, mặt nạ giấy, bóng bay hay đến những hàng bán bánh giò, bánh rán mật đường, cháo cói và những cây kẹo kéo dẻo quẹo mà lũ trẻ tranh nhau từng sợi... Các quầy hàng như cháo cói bà Ngữ, bánh giầy dò cụ Bột, bánh chưng cụ Đích... luôn là những quầy ăn vặt quen thuộc mỗi khi đến chợ Hai Nhăm của biết bao thế hệ trẻ em trong vùng.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/14/2025/02/05/upload_2218/anhtet4934644pm.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Gia đình ông Nguyễn Đình Hiểu ở làng Dục Nội (Đông Anh, Hà Nội) lì xì các cháu nhỏ trước khi đi phiên chợ Hai Nhăm. Ảnh chụp lại
|
Chợ trẻ em
Ở quê tôi, ông bà xưa vẫn nói, phiên chợ Hai Nhăm được gọi là “chợ trẻ em” bởi đây là dịp các em nhỏ chính thức được sử dụng khoản tiền do mình tiết kiệm từ tiền mừng tuổi dịp Tết Nguyên đán hoặc được bố mẹ thưởng mỗi khi đạt thành tích cao trong học tập...
Cả năm, tiền cứ thế tích cóp vào ống, đến ngày 24 tháng Chạp thì “mổ ống” để kiểm ngân quỹ. Và ngày 25 tháng Chạp trở thành ngày “chính thức tiêu tiền”, cũng là ngày các bé có cơ hội thực hành bài học về chi tiêu, niềm hứng khởi tự chủ nho nhỏ. Cái cảm giác cho tay vào túi áo bông cũ, mân mê mấy đồng tiền lẻ, tim đập rộn ràng vì sắp được mua bất cứ thứ gì mình thích vẫn còn in đậm trong tôi. Nhiều lần theo mẹ đi chợ, tôi vừa muốn mua một con tò he hình ông tiên cầm quạt, lại vừa muốn mua cái chong chóng tre. Biết vậy, lần nào mẹ cũng bảo: “Con thích gì cứ mua, miễn đừng hoang phí.” Thế là vừa đi, tôi vừa suy tính xem nên mua thứ gì. Chính sự “tự do” này đã biến chợ Hai Nhăm trở thành ký ức không thể phai mờ của bao thế hệ người dân Đông Anh.
Sau này, mỗi lần trở lại phiên chợ, tôi vẫn thấy dáng dấp của một “chợ trẻ em” như xưa. Nhiều em nhỏ tíu tít chạy quanh, các bà mẹ bận rộn hướng dẫn chúng chọn đồ. Những đứa trẻ tay cầm kẹo kéo, tay cầm đồ chơi mới, mắt sáng lên niềm hạnh phúc. Dù mải mê với những món đồ chơi mới lạ nhưng chúng cũng không quên mua quà ở chợ về biếu ông bà, bố mẹ, không quên mua hai cây mía mang về để Tết làm gậy ông vải. Phong tục tập quán bao đời vẫn được gìn giữ, thứ thay đổi chỉ là đồ chơi bây giờ đa dạng hơn, như những món đồ nhựa lấp lánh, mô hình siêu nhân, búp bê cho đến trò chơi đu quay chạy bằng điện. Thế nhưng, bên cạnh sự hiện đại đó, những gánh tò he rực rỡ sắc màu, những hàng kẹo bông xốp nhẹ như mây, hay những chiếc mặt nạ giấy bồi hình ông Địa, Thị Nở... mà lũ trẻ nâng niu vẫn thấp thoáng.
Dẫu bây giờ, đời sống kinh tế phát triển, không ít người chọn siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm Tết nhưng phiên chợ Hai Nhăm chưa bao giờ hoãn họp. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chợ có thể họp muộn hoặc sớm hơn đôi chút để tránh giặc, tránh bị máy bay oanh tạc, nhưng vẫn không hề bị gián đoạn. Đó là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một tập tục, một bản sắc đã ăn sâu vào văn hóa đời sống người dân địa phương.
Một mùa Tết qua đi, những đứa trẻ lại bắt đầu tích lũy chút "tài sản" nho nhỏ của mình vào một ống tre mới. Chỉ cần còn những đứa trẻ háo hức chờ “mở ống tre”, còn những cụ già hớn hở dậy sớm họp chợ, thì phiên chợ Hai Nhăm sẽ không bao giờ biến mất.
Nó sẽ tiếp tục sống mãnh liệt như nét văn hóa thiêng liêng, tiếp nối từ đời này sang đời khác, để bao thế hệ của làng có thể tự hào kể rằng: “Ở quê mình, có phiên chợ ngàn năm vẫn họp, nơi tuổi thơ và kỷ niệm được giữ trọn vẹn như ngày đầu”.
HẠ ANH