Ca khúc Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao ra đời đã nửa thế kỷ.
Khi ấy, sau 21 năm đánh trận trường kỳ, đất nước được hòa bình và non sông thu về một mối. Trước đó, dấu chân người lính từng đi qua những mùa xuân đánh giặc, hồi hộp lắng nghe lời thơ chúc Tết của Bác Hồ đúng khi trời đất vào cuộc giao thừa. Thi ca từng khắc họa “Dáng đứng Việt Nam” tạc vào thế kỷ bằng hình tượng chiến sĩ Giải phóng quân: Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân (Lê Anh Xuân) và cũng đã cứa sâu vào lòng ta những sẻ chia thân phận vô cùng sâu lắng: Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường, níu chiếu đợi anh (Hữu Thỉnh).
Vì thế, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975 thì cả dân tộc vỡ òa hạnh phúc cùng những người lính “thần tốc” được đặt chân lên đích cuối cùng cuộc kháng chiến huyền thoại dưới bầu trời tự do. Tự do xanh quá, mênh mông quá... (Hữu Thỉnh). Tháng tư dương lịch, tính theo lịch trăng thì lúc đó vẫn còn xuân. Và, chẳng có cách gọi nào đúng hơn là Mùa xuân đại thắng.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) thực hiện nhiệm vụ tuần tra, quản lý biên giới. Ảnh: ANH DŨNG |
Tháng 12-2024, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mùa đông 1944, những người lính đầu tiên của Quân đội ta tuyên thệ trước cờ đỏ sao vàng và 80 mùa xuân đi qua những dấu mốc lịch sử trọng đại của đất nước từ cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đến Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 rồi Mùa xuân đại thắng năm 1975 và sau đó là những chiến công, thành tích trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Những dấu mốc lịch sử thắm đỏ màu cờ như là kết tinh của mồ hôi, nước mắt và máu của dân tộc này. Chẳng có chiến công kỳ tích nào là dễ dàng cả. Hơn ai hết, những người lính thấm thía điều đó. Tháng 4-2025, cũng sẽ có kỷ niệm 50 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng, đất nước hòa bình, thống nhất. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có lần nói với tôi về ý định tổ chức một cuộc “duyệt binh” những nhà văn chiến sĩ thuộc thế hệ kháng chiến ở Thành cổ Quảng Trị.
Tôi nghĩ, nếu ý định đó trở thành hiện thực thì rất hay. Bên dòng Thạch Hãn lấp loáng ánh xuân, trên ngăn ngắt màu xanh miên man của cỏ, trong tiếng chuông ngân sâu Thành cổ sẽ vang lên những bài thơ, khúc văn xúc động nhất về người lính: Khi người lính lặng im tan vào đất/ là cuộc đời chảy tiếp những dòng sông... (Nguyễn Hữu Quý). Ẩn dụ thi ca mang trong đó hiện thực bi tráng của quá khứ. Ướm đặt vào cuộc sống hôm nay, có lẽ sẽ bắt đầu từ thị xã Quảng Trị được hồi sinh và phát triển từ tro tàn, tan hoang này và cũng để bắt nhịp vào mùa xuân đầu tiên đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ.
Và cũng như bao lần chúng ta tâm niệm quá khứ đau thương được khép lại nhưng không ai được phép lãng quên quá khứ. Quá khứ ấy vẫn đang truyền những năng lượng tích cực vào cuộc sống dựng xây và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Thế kỷ 20, cả dân tộc đã không tiếc máu xương để giành lại hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất non sông thì thế kỷ 21 là chặng bay kỳ diệu vào tương lai tươi sáng, hạnh phúc sẽ đến với mọi công dân Việt Nam, không ai bị bỏ lại phía sau. Đấy là khát vọng của muôn đời, muôn người, trong đó có thế hệ chiến sĩ đánh giặc, cứu nước.
Nhà tôi ở thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) nằm bên sông Hiếu uốn cong cong như mảnh trăng khuyết. Một thị trấn nửa phố, nửa quê xinh xắn và hiền hòa. Thế nhưng, trên mảnh đất không lấy gì làm rộng rãi quá lại có Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, và sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc tới Đường 9 và Đường Hồ Chí Minh chạy qua thị trấn Cam Lộ. Có ngày hoặc đêm, tôi vẫn nghe thấy những tiếng nổ vọng đến nhà mình. Tiếng súng, tiếng bộc phá. Không phải âm thanh của chiến tranh đâu, đấy là những tiếng nổ của thời bình.
Dưới chân đèo Cùa có một đơn vị bộ binh đóng quân. Tiếng nổ ấy xuất phát từ bãi tập của các chiến sĩ. Bộ đội đi dã ngoại có lúc hành quân qua trước cửa nhà tôi. Từ phòng viết, tôi bước ra ban công ngắm nhìn đồng đội, lòng chợt xôn xao nhớ lại thời binh nhì của mình. Những giọt mồ hôi đẫm ướt quân phục giữa thao trường bời bời nắng gió miền Trung. Câu khẩu hiệu quen thuộc với người lính thời chiến hiện rõ mồn một trước mắt tôi: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Và đây nữa, những câu chuyện tiếu lâm, những kiểu đùa tếu táo của lính tráng, cái Tết đầu tiên xa nhà nhớ người thân không cầm được nước mắt...
Mừng Đảng, mừng xuân, đại đội nào cũng có một tờ báo tường đẹp nhất trong năm. Những bài thơ đầu tiên của tôi được chép lên báo tường đại đội: Tiếng chim điểm nhịp hành quân/ Cờ lau mở trận trắng ngần gió bay/ Hương hoa rừng khéo nở đầy/ Đọng trên sắc áo dạn dày nắng sương/ Phải chăng qua những nẻo đường/ Ở đâu đất cũng yêu thương tận lòng/ Ông cha vạn thuở anh hùng/ Hóa thành sông núi điệp trùng ta đi... Binh nhì, quên sao được trên ve áo có quân hàm nền đỏ thắm đính một ngôi sao nhỏ. Tôi hình dung Tổ quốc, nhân dân ở rất gần mình. Tôi nghĩ những người lính bây giờ chắc cũng cảm thức như thế. Trước mắt tôi, những người lính trẻ rắn rỏi trong màu quân phục dã chiến. Phần đông là lính mới nhập ngũ, tuy hiện thời dẫu cũng măng tơ nhưng chắc chắn không phải Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi (Tố Hữu) như những chàng lính Trường Sơn thời đánh giặc năm xưa.
Có một điều gì đó như là sự tương đồng giữa những người lính trẻ và mùa xuân. Đều là sự khởi đầu. Mùa xuân khởi đầu cho một năm. Tuổi trẻ khởi đầu cho một cuộc đời. Bác Hồ từng nói, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Trong những binh nhì hôm nay có chàng nào mơ trở thành tướng lĩnh không nhỉ? Tôi nghĩ, chắc không nhiều. Nhưng chắc chắn rằng trong đội ngũ binh nhì hôm nay sẽ có những tướng lĩnh tài ba của Quân đội ta mai sau. Cùng với sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của Tổ quốc là công cuộc dựng xây Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, hiện đại. Người lính hôm nay sẽ có những điểm giống với thế hệ chúng tôi nhưng cũng sẽ có nhiều điểm rất khác. Bởi vì họ là người lính của hôm nay, những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước hòa bình tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Người lính, họ đang có mặt ở những nơi Tổ quốc cần. May mắn cho tôi, trong cuộc đời làm văn, viết báo của mình đã có đôi lần ra Trường Sa. Quần đảo phong ba này, một lần ra là cả đời còn nhớ. Tôi làm sao quên được những người lính “mặt trẻ tóc già”, những cuộc trò chuyện như trải hết lòng của chiến sĩ ta. Một lần, dưới tán cây phong ba, khi nghe tôi hỏi: “Tết này, chắc con không được về nhà, có nhớ không?”, binh nhì Nguyễn Quốc Trung trả lời: “Dạ chú, con nhớ lắm ạ!”. Tôi hỏi tiếp: “Thế có khóc không con?”, binh nhì cười: “Dạ, con có hơi khóc thôi”. Lần đầu tiên tôi nghe từ “hơi khóc” diễn tả một trạng thái cảm xúc. Thật là lính. Tôi ôm chàng lính vào lòng như bố ôm con trai vậy. Ngửi thấy mùi trời, mùi biển Trường Sa trên mái tóc hoe hoe và làn da đen cháy của Trung. Hình như có cả mùi bão giông chưa tan hết trên thân thể người lính trẻ. Nỗi nhớ quê, nhớ người thân dễ gì quen được chứ.
Giữa hiện thực đẹp đẽ vốn được phản ánh nhiều trong các tác phẩm báo chí, văn học-nghệ thuật, trong các chuyến đi, tôi gặp ở Trường Sa những góc khuất lặng lẽ. Như nốt nhạc trầm, thoảng rung trong bản giao hưởng Trường Sa vậy. Yêu thương và sự lo toan của người lính. Gặp Trịnh Xuân Huân, một sĩ quan bám trụ nhiều năm ở Trường Sa, tôi hỏi: “Trong mấy năm ở đảo, kỷ niệm nào Huân cho là sâu sắc nhất?”. Huân cười hồn hậu, trả lời luôn: “Nhớ mãi lần vợ em ra Trường Sa thăm”. Xa nhau đến 19 tháng, Lô Thị Thu Hiền mới được theo tàu Trường Sa 571 ra đảo thăm chồng. Tại cầu cảng, hai người ôm chặt nhau như chẳng muốn rời ra nữa. Hiền khóc, những giọt nước mắt mặn hơn vị biển thấm ướt vai áo chồng. Vợ chồng ở với nhau được một tuần. Giọng Huân bồi hồi: “Một tuần hạnh phúc nhất của vợ chồng em bác ạ, đêm tân hôn cũng chẳng được như thế!”.
Tôi hiểu vì sao tôi yêu người lính, cả trong chiến tranh và thời bình. Tự nguyện hay chấp nhận gian khó, thiệt thòi, kể cả hy sinh trước hết là vì Tổ quốc. Cao hơn nghĩa vụ là tình yêu đất nước của Bộ đội Cụ Hồ. Mùa xuân này, có một Làng Nủ mới hồi sinh từ bùn đất lũ quét sau cơn bão Yagi năm ngoái, với những ngôi nhà sàn khang trang, thanh thoát và vững chãi. Tôi xin gọi đó là những ngôi nhà yêu thương hội tụ tình nghĩa đồng bào. Lại nhớ đến những người lính Quân khu 2 dầm mình trong bùn đất ngổn ngang và nắng mưa thất thường để “tìm dân”. Và những người lính Binh đoàn 12 lao động “thần tốc” để những ngôi nhà được làm xong đúng hẹn. Cái tên chung của họ là Bộ đội Cụ Hồ. Trong bản giao hưởng mùa xuân đất nước mãi mãi có những nốt nhạc đẹp do những người lính viết nên.
Tùy bút của NGUYỄN HỮU QUÝ