Nhân một lần gặp gỡ trò chuyện với mấy đồng chí cán bộ cựu chiến binh (CCB) Quân đoàn 3, có cả anh Lê Quang Bình, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XII, tôi đã đọc hai câu thơ trên để tỏ ý cảm phục và chia sẻ sự vất vả, hy sinh vượt mọi khó khăn, gian khổ mà các anh đã trải qua trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Những người có mặt hôm đó, kể cả vợ của các CCB ai ai cũng cảm động. Có anh còn kể thêm những chuyện của mình, của đơn vị những năm tháng gian khó mà rất đỗi hào hùng ấy. Tuy nhiên, khi hỏi tác giả câu thơ trên thì không ai biết, cứ coi như đó là vần thơ chung nói lên tình cảm của bộ đội Mặt trận B3 Tây Nguyên, như là câu thơ ấy viết cho mình...

Nhớ lại, trong những dịp tổ chức kỷ niệm của đơn vị hay gặp gỡ nhau, các CCB từng gắn bó sống chết với nhau ở Tây Nguyên hay đọc hai câu thơ trên với nỗi nhớ và niềm tự hào. Một số tướng lĩnh cao cấp, anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, giáo sư, tiến sĩ từng chiến đấu ở Tây Nguyên như: Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp; Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quốc Thước; Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Cao Đài... trong các cuốn sách, bài viết của mình đều nhắc đến hai câu thơ nổi tiếng trên. Nhưng cũng không ai biết chính xác tác giả. Từ đó khiến tôi cảm thấy tò mò muốn tìm hiểu cho rõ nguồn gốc và tác giả đích thực (nếu có). Đồng thời cũng cần viết lại để nhiều người cùng biết thêm, cùng cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của câu thơ. Nếu được như thế sẽ rất tốt.

Và tôi đã có may mắn sau khi tìm đọc nhiều cuốn sách viết về các sư đoàn, các đơn vị từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. CCB Bùi Lô của Sư đoàn 10 đã viết trong “Ký ức một thời với Tây Nguyên” cho hay: “Tại buổi gặp mặt truyền thống cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3-Mặt trận B3 Tây Nguyên năm 2015 tại Hà Nội, các CCB đã tìm được tác giả của bài thơ. Đó là ông Đỗ Tiến Ruyện, sinh năm 1930, quê Thái Bình, nhập ngũ thời kỳ chống Pháp, đã tham gia chiến đấu ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 4-1965, ông vào chiến trường Trị Thiên rồi vào Mặt trận Tây Nguyên.

Trong lần liên hoan văn nghệ của Nông trường 10 năm 1966 ở Tây Nguyên (sau thuộc Sư đoàn 10-sư đoàn được thành lập tháng 9-1972), ông đã sáng tác và đọc bài thơ này. Hôm ấy, có đồng chí Thái Bá Nhiệm, Chủ nhiệm chính trị và đồng chí Hội, trợ lý tuyên huấn B3 xuống dự. Một số đồng chí dự buổi liên hoan văn nghệ hôm đó biết rõ, vỗ tay tán thưởng. Nhưng thật tiếc vì trong số đó, nhiều người đã hy sinh hoặc qua đời do bệnh tật, tuổi cao nên thông tin về tác giả bài thơ chưa tới được nhiều người khác. Mãi sau này ông vẫn chưa đặt tên cho bài thơ của mình. Nghĩ sao ông viết vậy, viết rồi ông thấy thế là đủ-bộ đội mà.

Bài thơ đầy đủ như sau:

Tây Nguyên ơi, ai đã từng đến đó

Suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau.

Đào mài, nhặt gắm, hái rau

Kim cang, môn thục, măng vầu,... đắng cay

Muỗi như trấu suốt đêm ngày

Vắt xanh, vắt đỏ từng bầy ngo ngoe

Sốt gì mà sốt gớm ghê

Rét run cầm cập, nóng kề lò nung

Ngửi cơm đã thấy buồn nôn

Ho dập ho dồn, miệng đắng ngực đau

Bước đi phải dắt dìu nhau

Nằm lâu nhức đầu, ác tính mắt hoa...

Tây Nguyên ai đã từng qua

Trọn đời thương nhớ về ta với mình".

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Ia H'Đrai (Kon Tum) cùng nhân dân thôn 4, xã Ia Đal, huyện Ia H'Đrai đổ bê tông đường giao thông nông thôn. Ảnh: MAI PHƯƠNG


Bài thơ thật là hay, rất thực tế và đầy chất lính, nhưng ra đời trong bối cảnh chiến tranh ác liệt đầy gian khổ, hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên, mà không in vào sách nên hiếm ai biết và nhớ cả bài. Tuy nhiên, hai câu đầu: “Tây Nguyên ơi, ai đã từng đến đó/ Suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau” thì nhiều người lính Tây Nguyên nhớ và truyền miệng nhau cả thời chiến và mãi sau này khi đã hòa bình. Vì truyền miệng nên có một vài chữ có lúc được đọc khác so với nguyên bản, nhưng cơ bản vẫn đúng nội dung, đúng ý thơ của tác giả. Nhiều người nghĩ là thơ khuyết danh hay coi là câu ca dao, câu vè truyền miệng, miễn là thấy hợp tình cảnh và đầy ý nghĩa thì họ yêu, cùng cảm thụ và truyền nhau thôi.

Chúng tôi tìm hiểu thêm thì được biết, ngoài bài thơ này, ông Đỗ Tiến Ruyện còn một số bài, một số đoạn thơ ngẫu hứng khác như:

"Thơ tôi viết chẳng có hồn

Mấy câu giữa trận góp dồn là thơ

Mong sao trong lúc đợi chờ

Tiếng cười nho nhỏ trước giờ xuất quân

Cảm ơn các chị, các anh

Bạn bè chân thành xem đọc thơ tôi".


Nhiều năm trong quân ngũ, qua các chiến trường miền Đông rồi Tây Nam Bộ, sau giải phóng miền Nam, ông Ruyện về nghỉ hưu ở Khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội. Có đồng đội đến thăm ông, đọc những bài thơ chân thật đầy tình cảm và ý nghĩa của ông đã đề nghị tập hợp, xuất bản, nhưng ông cười vui vẻ và nói rất hồn nhiên khi tuổi đời đã hơn 90: “Việc ấy không quan trọng, tôi rất hạnh phúc và cảm ơn mọi người đã đọc và thích những vần thơ mộc mạc của tôi”.

Vẫn là câu trả lời của người lính Cụ Hồ từng chinh chiến trở về, thật giản dị nhưng đáng quý biết bao.

NGUYỄN NHÂN TỎ