Trong không khí của các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, vừa qua, những học viên Khóa 1 tên lửa cùng các thầy giáo đã tụ hội về phòng truyền thống của Bộ môn Tên lửa, Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS). Cuộc gặp gỡ của các thầy và trò nay đã ngoài 70 tuổi diễn ra thật vui vẻ, ấm áp. Họ cùng nhau ôn lại ký ức hào hùng một thời thanh xuân.
Ra đời năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang vào giai đoạn ác liệt, dù điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên còn thiếu nhưng Bộ môn Tên lửa đã kịp thời đào tạo, bổ sung đội ngũ kỹ sư tên lửa phòng không cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường. Khóa đào tạo dài hạn ngành tên lửa đầu tiên tại Trường Đại học KTQS vốn là những học viên được đào tạo ngành thông tin vô tuyến điện, nhập học từ tháng 8-1966. Học đến năm thứ tư thì Bộ Quốc phòng quyết định chuyển hai lớp sang học tên lửa phòng không. Tháng 2-1972, khóa đầu tiên tốt nghiệp có 33 học viên, gồm 21 kỹ sư đài điều khiển và 12 kỹ sư đạn tên lửa. 5 học viên tốt nghiệp loại giỏi được nhà trường giữ lại làm giảng viên của Bộ môn, số còn lại đều được phân công về các đơn vị chiến đấu.
Cuối năm 1972, khi đế quốc Mỹ đưa quân ném bom Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, các kỹ sư tên lửa mới tốt nghiệp đã “đủ lông đủ cánh” tham gia phục vụ bảo đảm kỹ thuật ở các đơn vị chiến đấu chống lại cuộc tập kích bằng không quân của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Đại tá Kỳ Tuấn, nguyên Trưởng phòng Tác chiến, Tổng cục Kỹ thuật, là một trong 33 học viên khóa đầu tiên ngành tên lửa được đào tạo tại Trường Đại học KTQS. Ông nhớ lại: “Tốt nghiệp tháng 2-1972, tôi được điều động về Ban Kỹ thuật Trung đoàn Tên lửa 261, đóng quân tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội. 23 tuổi đời tràn đầy nhiệt huyết nên chúng tôi háo hức khi được tham gia trực chiến cùng các chuyên gia kỹ thuật được đào tạo ở Liên Xô những năm trước đó. Chúng tôi luôn túc trực ở đơn vị, có lệnh là đi ngay, có việc là làm, bất kể ngày hay đêm. Thậm chí, chúng tôi thường xuyên phải chạy bộ trong đêm tối để tới các trận địa nhằm bảo đảm kỹ thuật tốt nhất cho đơn vị sẵn sàng chiến đấu, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước”.
    |
 |
Các giảng viên và học viên Khóa 1 Bộ môn Tên lửa, Học viện Kỹ thuật Quân sự gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không". |
Mỗi lần nhớ lại kỷ niệm trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 ở Hà Nội, ông Tuấn vẫn luôn cảm thấy lâng lâng tự hào vì đơn vị mình là đơn vị đầu tiên bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 trên bầu trời Hà Nội và cũng là một trong những đơn vị tên lửa phòng không bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất trong chiến dịch này. Ngày 18-12-1972, chàng sĩ quan trẻ Kỳ Tuấn đang trong ca trực ở trung đoàn thì được thông báo Tiểu đoàn 59 của Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi máy bay B-52 tại xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú (nay gần ngã ba Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Khi biết tin, ông và các đồng đội chạy ra sân xem thì thấy khu vực bầu trời Hà Nội trước mắt mình một màu đỏ rực như được nhuốm ánh lửa. Nhiều người còn thắc mắc không hiểu sao máy bay B-52 cháy gì lâu thế, mãi không thấy rơi xuống... Đến khi được thông báo máy bay đã rơi xuống cánh đồng xã Phù Lỗ, ông Tuấn cũng là một trong những người được theo xe thủ trưởng đơn vị ra tận nơi xem xác B-52 của Mỹ và vinh dự được cầm mảnh vỡ máy bay còn nguyên chữ B-52 về sở chỉ huy báo cáo thủ trưởng cấp trên.
Trung tá Hồ Xuân Cẩm, nguyên cán bộ Phòng Kỹ thuật Sư đoàn Phòng không 361, cũng là một trong số kỹ sư tên lửa Khóa 1 tốt nghiệp đầu năm 1972 kể lại: “Thời kỳ đó, để có khí tài, trang bị thay thế các thiết bị máy móc hỏng hóc mất rất nhiều thời gian chờ đợi nên đòi hỏi cán bộ kỹ thuật phải chịu khó tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo để sửa chữa, khắc phục. Dù không phải trực tiếp cầm súng nhưng cán bộ kỹ thuật các cấp cũng thường xuyên thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện nguy hiểm dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Không ít cán bộ kỹ thuật hy sinh khi đi làm nhiệm vụ trong đêm. Họ đã đóng góp một phần xương máu làm nên thắng lợi vĩ đại của Quân đội ta”.
Nhắc lại lịch sử của Bộ môn Tên lửa, Trung tá, TS Doãn Văn Minh, Chủ nhiệm Bộ môn cho biết, trong những năm chiến tranh, rất nhiều giảng viên của Bộ môn vừa giảng dạy vừa cùng học viên đi thực tế tại các đơn vị chiến đấu, tham gia chiến đấu, làm phiên dịch cho các trung đoàn tên lửa phòng không học tập chuyển giao loại tên lửa mới... Nhiều tổ giảng viên thường xuyên đến các trận địa tên lửa để huấn luyện kỹ thuật, nghiên cứu, cùng các chuyên gia xây dựng cách đánh máy bay Mỹ, đặc biệt là B-52.
    |
 |
Các thế hệ thầy và trò Bộ môn Tên lửa chụp ảnh lưu niệm tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, tháng 10-2022.
|
Qua bám sát thực tế chiến đấu của các đơn vị, cán bộ, giảng viên của Bộ môn đã nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm, xây dựng giáo trình, tài liệu giảng dạy phù hợp thực tế công tác kỹ thuật, huấn luyện và chiến đấu của bộ đội tên lửa. Trong đó, nhiều đề tài khoa học đã ra đời như: Đề tài nghiên cứu khả năng sử dụng khí tài C-75 bắn máy bay trinh sát SR-71 (độ cao hơn 30km). Sau khi tiến hành rất nhiều tính toán trên máy tính Minsk-32, kết quả chỉ ra là xác suất bắn rơi SR-71 bằng C-75 quá nhỏ và đã khuyến cáo cho Quân chủng Phòng không-Không quân các biện pháp xạ kích phù hợp làm tăng hiệu quả bắn. Trong đề tài nghiên cứu phương pháp bắn 3 điểm theo dải nhiễu, Bộ môn đề xuất và tính toán một phương pháp bắn vào cặp dải nhiễu giao nhau, thay vì chỉ bắn vào một dải nhiễu để tăng xác suất tiêu diệt. Kết quả nghiên cứu của đề tài này cũng đã khuyến cáo cho các đơn vị chiến đấu.
Phát huy truyền thống dũng cảm, sáng tạo trong thời kỳ chiến tranh, những năm gần đây, Bộ môn Tên lửa được Học viện KTQS giao nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện cán bộ, nhân viên kỹ thuật để bảo đảm kỹ thuật và khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, trong đó có các hệ thống tên lửa phòng không, tên lửa hải quân thế hệ mới.
Bài và ảnh: HÀ THANH MINH