Phóng viên (PV)Vị thế của Học viện KTQS so với các trường đại học kỹ thuật trong khu vực và trên thế giới hiện nay như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá, GS, TS Trần Xuân Nam: Học viện KTQS là trường đại học kỹ thuật đa ngành hàng đầu của quân đội và đất nước. Sứ mệnh của học viện là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, góp phần phát triển nền khoa học-công nghệ quân sự Việt Nam.

leftcenterrightdel
Đại tá GS, TS Trần Xuân Nam. Ảnh: MAI PHƯƠNG 

Đặc biệt, từ năm 2021, thực hiện Đề án “Quy hoạch phát triển Học viện KTQS đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, học viện đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; nâng cao năng lực NCKH, tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư xây dựng cơ sở kỹ thuật phục vụ huấn luyện và thực hành theo định hướng phát triển thành trường đại học nghiên cứu, hoạt động theo mô hình nhà trường thông minh. Nhờ đó, vị thế của học viện trên bảng xếp hạng quốc tế SCImago liên tục tăng lên. Theo kết quả công bố tháng 3-2022, Học viện KTQS (Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn) đứng thứ 740 trên thế giới, tăng 46 bậc so với năm 2021, 89 bậc so với năm 2020.

PV: Theo đồng chí, những trở ngại nào tác động trực tiếp sự cạnh tranh về thứ hạng của Học viện KTQS so với các trường đại học kỹ thuật trong khu vực và trên thế giới?

Đại tá, GS, TS Trần Xuân Nam: Để hướng tới được xếp hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế toàn diện như QS hay Times Higher Education, Học viện KTQS còn gặp không ít khó khăn, thách thức, do đặc thù của một nhà trường quân đội, đòi hỏi tính bảo mật thông tin cao. Trong khi đó, tiêu chí đánh giá chất lượng các bảng xếp hạng này đều dựa trên những thông tin được công bố công khai như: Nội dung, chương trình đào tạo; các công trình NCKH; đội ngũ giảng viên; môi trường học tập, nghiên cứu... kèm theo quy trình thẩm định, đánh giá chặt chẽ. Mặt khác, nguồn ngân sách đầu tư để nâng cao tiềm lực về con người và hệ thống cơ sở kỹ thuật phục vụ công tác GD&ĐT, NCKH rất lớn.

PV: Để giải quyết bài toán này, Học viện KTQS xác định những giải pháp như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá, GS, TS Trần Xuân Nam: Đảng ủy, Ban giám đốc học viện xác định, trước hết, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ phát triển học viện theo mô hình trường đại học nghiên cứu đạt trình độ khu vực và quốc tế. Chúng tôi chú trọng đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án “Quy hoạch phát triển Học viện KTQS đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; chú trọng cụ thể hóa, triển khai thực hiện mục tiêu đề án phù hợp chức năng, nhiệm vụ từng khoa, viện, cơ quan, đơn vị; gắn các chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng năm học với lộ trình thực hiện đề án theo các giai đoạn, tạo động lực để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, NCKH. Cùng với đó, Học viện KTQS chú trọng mở thêm các hướng đào tạo chuyên sâu đáp ứng sự phát triển của khoa học công nghệ trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo, blockchain, thông tin vô tuyến 5G. Đồng thời, mở rộng quy mô đào tạo sau đại học, tăng tỷ lệ các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu, nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh, bám sát tiêu chí trường đại học nghiên cứu.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ một số giải pháp cụ thể trong GD&ĐT, gắn với Đề án “Quy hoạch phát triển Học viện KTQS đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”?

Đại tá, GS, TS Trần Xuân Nam: Đảng ủy, Ban giám đốc học viện thường xuyên rà soát, đổi mới, cập nhật nội dung chương trình đào tạo theo hướng tăng tính linh hoạt, mềm dẻo, bảo đảm sự liên thông cao giữa trình độ đại học và sau đại học; tăng cường sử dụng chương trình đào tạo, giáo trình của các trường đại học tiên tiến trên thế giới; tăng dần tỷ lệ các học phần chuyên ngành giảng dạy bằng ngoại ngữ, khuyến khích học viên viết và bảo vệ luận văn, luận án bằng ngoại ngữ.

Cùng với đó, học viện chủ động đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, tăng cường vai trò tự học, tự tích lũy kiến thức, gắn kết học tập với nghiên cứu. Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển sinh; thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của người học; nâng cao chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, nhất là về ngoại ngữ và chất lượng luận văn, luận án theo hướng có công bố quốc tế và sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn. Chủ động từng bước tự đánh giá trường và các chương trình đào tạo lưỡng dụng theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành tự đánh giá hơn 50%, đến năm 2030 hơn 75% các chương trình đào tạo đại học và sau đại học. Đặc biệt, học viện đang tích cực làm công tác chuẩn bị để kiểm định chất lượng trường và chất lượng chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế khi được Bộ Quốc phòng cho phép.

PV: Là một nhà trường quân đội, Đảng ủy, Ban giám đốc học viện có chủ trương, biện pháp gì để có thể hội nhập quốc tế hiệu quả mà không ảnh hưởng đến hoạt động quân sự mang tính đặc thù?

Đại tá, GS, TS Trần Xuân Nam: Trước tiên, chúng tôi đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng hoạt động khoa học-công nghệ. Đây là giải pháp được học viện xác định là mũi nhọn để tăng chỉ số trên các bảng xếp hạng quốc tế. Là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia, Học viện KTQS có tiềm lực mạnh về NCKH, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện học viện có hơn 90% cán bộ, giảng viên trình độ sau đại học; 56% tu nghiệp ở nước ngoài, hơn 50% tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, 10% giáo sư, phó giáo sư. Cùng với đó là hệ thống cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm được trang bị cơ bản.

leftcenterrightdel
- Học viện Kỹ thuật Quân sự trao bằng khen tặng học viên đạt thành tích xuất sắc trong Hội thi Tuổi trẻ sáng tạo lần thứ 42. Ảnh: MAI PHƯƠNG

Phát huy tiềm lực, thế mạnh đó, Học viện KTQS tập trung quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên gắn với xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, đội ngũ nhà khoa học đầu ngành; cơ cấu nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nhóm nghiên cứu mạnh được xác định phát triển thành nhóm đạt trình độ quốc gia, hướng tới phát triển một số nhóm nghiên cứu đạt trình độ quốc tế. Đồng thời, học viện tập trung xây dựng và phát triển các hướng khoa học mạnh, kết hợp hài hòa, hợp lý các lĩnh vực nghiên cứu.

Về nghiên cứu ứng dụng, học viện tiếp tục tăng cường hoạt động nghiên cứu theo hướng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong bảo quản, khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, cải tiến và nâng cao tính năng kỹ chiến thuật của vũ khí, trang bị hiện có; tập trung vào các nhiệm vụ hiện đại hóa các lực lượng: Hải quân, phòng không-không quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử và các chuyên ngành về an toàn thông tin và tác chiến không gian mạng, tự động hóa chỉ huy... Đẩy mạnh hoạt động tư vấn khoa học, phát triển khoa học liên ngành; ưu tiên đầu tư cho các nghiên cứu tạo ra sản phẩm công nghệ cao được đăng ký văn bằng sở hữu trí tuệ, phát minh sáng chế.

Về nghiên cứu cơ bản, đẩy mạnh thực hiện theo hướng phát triển công nghệ nền phục vụ công nghiệp quốc phòng, như: Kỹ thuật điện tử, điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật rô-bốt, hóa lý kỹ thuật, kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật, kỹ thuật xây dựng công trình đặc biệt; chú trọng nâng cao chất lượng, số lượng công bố khoa học trên các tạp chí, kỷ yếu, hội nghị quốc tế uy tín trên thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu học viện.

Đặc biệt, học viện tăng cường hợp tác quốc tế sâu, rộng cả trong đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ, nhất là trên những lĩnh vực học viện có thế mạnh. Chú trọng hợp tác với các nước có công nghệ nguồn về vũ khí, trang bị quân sự, có khả năng chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng. Bám sát tình hình thực tiễn, học viện tiếp tục đề xuất Bộ Quốc phòng cho phép từng bước tham gia một số diễn đàn khoa học, đào tạo trong khu vực và thế giới; tham gia vào các dự án mua sắm vũ khí, trang bị cho quân đội; xây dựng mạng lưới cộng tác viên, nâng cao hiệu quả hợp tác với đội ngũ giáo sư, nhà khoa học đầu ngành của các trường đại học uy tín trên thế giới; ưu tiên phát triển hợp tác quốc tế về GD&ĐT, NCKH có công bố chung. Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động nguồn và khai thác tốt các chỉ tiêu đi đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ ở nước ngoài; tích cực cử cán bộ đi hợp tác nghiên cứu kết hợp với thỉnh giảng tại các cơ sở đào tạo uy tín ở nước ngoài, nâng cao uy tín về học thuật của học viện. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng môi trường, cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển quan hệ hợp tác quốc tế và xác lập hệ thống đối tác chiến lược trên các lĩnh vực là thế mạnh của học viện.

Cùng với tập trung thực hiện tốt các giải pháp trên, Học viện KTQS tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế để học viện được tham gia đánh giá ngoài, làm cơ sở công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế. Tăng cường kinh phí hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện; đầu tư và cho phép học viện tham gia Đề án “Xây dựng, phát triển nguồn học liệu mở của các cơ sở giáo dục đại học” do Bộ GD&ĐT chủ trì, tạo điều kiện thuận lợi để Học viện KTQS sớm đạt được mục tiêu đề án, khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN HỒNG SÁNG (thực hiện)