Ngày 26-11-1971, Vũ Thanh Tùng-khi đó mới 19 tuổi đã cùng các chàng trai Ninh Bình lên tàu, từ ga Ghềnh, bắt đầu khởi hành chặng đường vượt Trường Sơn để Nam tiến. Lúc xuất phát, tiểu đoàn của anh có 600 người. Trên đường hành quân, nhiều đồng chí đã hy sinh hoặc bị thương, sốt rét phải nằm lại dọc đường. Đến nơi tập kết, đơn vị của anh chỉ còn một nửa. Vũ Thanh Tùng cũng bị sốt rét nhưng kiên quyết không chịu nằm lại, anh nhờ người chặt khúc tre làm gậy rồi trói tay mình vào một đầu gậy để đồng đội cầm, kéo đi. Có lúc anh phải chạy theo, cổ tay bị trói bật máu, chạy như người mê sảng. Đến lúc dừng lại nghỉ, mồ hôi đổ ra đầm đìa, ướt sũng áo quần, đột nhiên anh hết sốt. 

Vào tới nơi, đại đội của Vũ Thanh Tùng trở thành một đơn vị bộ đội địa phương của vùng Đồng Tháp. Cuộc sống chiến đấu của người lính ở đơn vị bộ đội địa phương vô cùng gian nan, khốc liệt. Sau trận đánh bắn cháy 8 chiếc tàu địch trên sông Vàm Cỏ Tây, trở về hậu cứ, đơn vị anh không còn hạt gạo nào. Anh nhận nhiệm vụ cùng một tổ công tác đi tìm lương thực. Anh phát hiện một hầm giấu gạo, nhưng hầm cách đồn địch chỉ vài trăm mét. Bí mật tiếp cận hầm, khi anh kéo bao gạo ra thì quả mìn gài dưới bao gạo bùng nổ, hai chiến sĩ đi cùng anh hy sinh. Điều đau đớn nhất lại là mìn do chính một đơn vị chủ lực của ta cài vào để bẫy địch đến.

Sáng 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, hai bên ngừng bắn. Trước đó, tối 26-1, cả hai bên đều tranh thủ giành dân, giành đất, cắm cờ. Sau khi ký kết Hiệp định, chỗ nào có cờ ta sẽ là địa giới của ta. Đại đội anh đêm ấy có hơn hai chục người, phải đọ súng với 200 lính bảo an bất ngờ đến lấn chiếm. Ngày 20-3-1973, anh được kết nạp Đảng ngay trên trận địa. Anh cảm thấy mình chưa thật xứng đáng trở thành đảng viên, nhưng chợt nhớ chi bộ đang rất cần những tay súng đi đầu hàng quân cho những cuộc chiến đấu sắp tới, nên anh tự nhủ mình có vào Đảng “non” một tí cũng là cần thiết. Anh luôn suy nghĩ, vào Đảng rồi phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trưởng thành, sẵn sàng hy sinh vì Đảng, vì Tổ quốc.

Đầu năm 1974, đơn vị anh trở về Vùng 4 khu giải phóng. Về Vùng 4, chưa được hưởng chút niềm vui giải phóng nào thì đơn vị lại bước vào chiến dịch 20 ngày đêm giữ đất, chống địch lấn chiếm. Khi được lệnh rút về hậu cứ, anh giục một chiến sĩ nhiều tuổi hơn mình chạy trước, để anh dừng lại chốt chặn, không cho địch truy kích. Người lính già chạy được hơn chục mét thì bị pháo cối địch bắn trúng. Anh vác người chiến sĩ bị thương chạy ra chỗ y tá để băng bó. Đột nhiên người thương binh kêu to: “Tao cụt mất một chân rồi, vào tìm cho tao, tao chết, lại thành con ma cụt chân à?”. Vũ Thanh Tùng chạy vào chỗ bụi tre cũ, tìm được hai khẩu súng hỏng nhưng chẳng thấy cái chân người nào cả. Anh chạy ra thì đồng đội đã khiêng người lính già bị thương đi rồi. Một chiến sĩ quay sang bảo anh: “Có mất chân đâu, anh ấy bị thương vào đầu, mê sảng mà nói thế thôi!”. Mấy tiếng sau, anh được tin người lính già đã hy sinh. Gần 50 năm qua, anh vẫn nhớ như in khuôn mặt của người đồng đội lúc ấy...

Cuộc chiến đấu của Tiểu đội trưởng Vũ Thanh Tùng trên địa bàn miền Đông Nam Bộ dừng lại vào ngày 2-5-1974 trong trận đánh truy kích địch lấn chiếm vùng giải phóng. Anh Tùng bị thương sọ não, thủng bụng, bị cắt 25cm ruột non. Sau này, khi được Nhà nước trao tặng các huân chương, huy chương, anh luôn tự nhủ phải vượt qua khó khăn, để mình là một “thương binh tàn nhưng không phế”.

Giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, thương binh Vũ Thanh Tùng ngoài niềm vui chung cùng đất nước, nhân dân, còn có niềm vui riêng là được học tập ở trường đại học. Trước đó, năm 1970, anh đã thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, giấy gọi nhập học vẫn còn cất kỹ ở nhà, nhưng bị thương sọ não, anh cảm thấy rất thiếu tự tin để theo học chuyên ngành kỹ thuật. Vốn yêu thích văn chương, anh tiếp tục ôn thi vào đại học với 3 môn: Văn học, Lịch sử, Địa lý. Đỗ đại học lần này với số điểm cao, anh được cử đi học tập tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Nhưng cân nhắc mãi trước hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh quyết định từ chối con đường du học, xin học đại học trong nước để có điều kiện thường xuyên chăm sóc cha mẹ già. Sau 4 năm học, tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), anh được giữ lại trường, trở thành cán bộ giảng dạy của Khoa Việt Nam học và tiếng Việt. Từ khi nhận quyết định trở thành giảng viên đại học, người đảng viên được kết nạp ngay trên trận địa lại bước vào một mặt trận mới không kém phần gian nan, khốc liệt. Bởi vợ anh không may qua đời vì một tai nạn giao thông, để lại trong anh một vết thương mới, khủng khiếp về mặt tâm lý, cùng 4 đứa con đang tuổi ăn học. 

leftcenterrightdel

Thương binh, cựu chiến binh Vũ Thanh Tùng (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng đội thăm Nghĩa trang Liệt sĩ đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Ảnh: MẠC YÊN 

Sau hai đợt công tác nước ngoài, làm chuyên gia tiếng Việt cho Đại học Tổng hợp Phnôm Pênh, từ năm 1982 đến 1991, anh trở về nước nhận nhiệm vụ mới. Mặc dù yêu thích văn chương và say mê nghề giảng dạy, anh vẫn phải nhận một trọng trách mới là vừa giảng dạy kiêm nhiệm chức Trưởng phòng Hành chính và Quản trị trong giai đoạn tái cơ cấu và thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong Hội CCB Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ai cũng biết Vũ Thanh Tùng là thương binh nặng. Chính vì lý do đó, mọi người sau này không hề ngạc nhiên khi anh, với tư cách Chủ tịch Hội CCB, luôn hăng hái đi đầu trong các phong trào vận động quyên góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ gia đình liệt sĩ, tổ chức các chuyến đi thăm hỏi, tặng quà tại các trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh ở nhiều địa phương trong cả nước.

Trở lại với cuộc sống dân sự nhiều năm nhưng Vũ Thanh Tùng vẫn lao động, công tác với suy nghĩ và cảm xúc của người lính trận. Chính anh đã tham dự và tác động thiết thực dẫn tới sự kiện nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân sớm được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Cuộc sống chiến đấu và sự nghiệp thơ ca của Lê Anh Xuân là tấm gương sáng và vô cùng ám ảnh đối với Vũ Thanh Tùng. Vốn là người yêu thơ, anh luôn nghĩ về Lê Anh Xuân như nghĩ về một người đồng nghiệp cùng trường, một bậc đàn anh trong đội ngũ những nhà thơ chiến trận. Một trong những điều làm anh trăn trở là vì sao sau nhiều năm đất nước đã tan khói súng chiến tranh, mộ liệt sĩ trên nghĩa trang đã thay bao lớp cỏ, mà nhà thơ, liệt sĩ vẫn chưa được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Anh đề xuất với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức hội thảo khoa học về liệt sĩ Lê Anh Xuân, với danh ngữ tiêu đề “Dáng đứng Việt Nam”. Cũng từ hội thảo này, Vũ Thanh Tùng nhận được cuốn nhật ký viết tay của Lê Anh Xuân.

Nhìn qua bản photocopy, anh Tùng hiểu ngay vì sao cuốn nhật ký này sau nhiều năm, qua nhiều nhà xuất bản vẫn chưa được in thành sách. Chung quy cũng vì cuốn nhật ký của Lê Anh Xuân nét chữ đã quá mờ, giấy của cuốn sổ gần như mục nát. Biên tập viên của các nhà xuất bản ngại đọc, “ngâm” cuốn nhật ký trong kho bản thảo nhiều năm. Bằng tấm lòng tri ân liệt sĩ, bằng tình yêu thương một nhà thơ mà mình ngưỡng mộ từ bé, Vũ Thanh Tùng bắt tay vào công việc xử lý bản thảo. Anh quyết tâm phải làm bằng được. Cuốn nhật ký của người anh hùng phải được xuất bản. Những dòng nhật ký đó được Lê Anh Xuân viết trong nhiều thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Tác giả viết tắt, viết tháu, viết chen thêm tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, thậm chí có cả chữ Hán, nhiều nét chữ bị dính rất khó đoán nghĩa... Vũ Thanh Tùng tình nguyện đánh máy lại bản nhật ký và làm biên tập viên chính. Anh phải dùng từ điển tra cứu, phán đoán từng dòng. Có chữ, có câu phải mất cả đêm trằn trọc anh mới đoán ra.

Sau 3 tháng say mê, miệt mài khảo cứu nguyên bản và tự tay đánh máy, cuối cùng bản thảo cuốn nhật ký đã được anh hoàn thiện. Nếu không có tri thức của một nhà ngôn ngữ học, nếu không có tình yêu thơ ca và sự đồng cảm của một người lính, Vũ Thanh Tùng không thể phục hồi được “văn bản cổ” đó. Tháng 11-2011, cuốn sách "Nhật ký Lê Anh Xuân" ra đời, nhanh chóng đến với độc giả cả hai miền đất nước. Cùng với sự xuất hiện của nhật ký là tin vui lan truyền: Nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Cầm cuốn sách trên tay, cán bộ và sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn không thể không nghĩ đến người phục dựng văn bản nhật ký của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân. 

Đó là câu chuyện của nhiều năm trước. Hiện nay, những du khách về thăm đất Nho Quan, Ninh Bình đều có thể gặp gỡ, giao lưu với nhà thơ của mảnh đất cố đô Hoa Lư Vũ Thanh Tùng. Về hưu, nhà giáo, thương binh, CCB Vũ Thanh Tùng vẫn tiếp tục đóng góp cho văn hóa quê hương bằng các sáng tác thi ca, bằng công việc xuất bản sách, tổ chức các câu lạc bộ, các hội thơ, làm hướng dẫn viên tình nguyện tại các điểm tham quan Bích Động-Tràng An, Rừng quốc gia Cúc Phương... Nhìn khuôn mặt và nụ cười ông bừng sáng mỗi khi ông đọc thơ, giới thiệu danh lam thắng cảnh quê hương, mọi người dễ dàng nhận ra ở ông niềm hạnh phúc của người lính chiến-người thương binh đang tận hưởng hòa bình.

Bây giờ đã bước qua tuổi 70, thương binh, CCB Vũ Thanh Tùng luôn lạc quan, sống vui, sống khỏe, với những vui-buồn bằng trái tim người lính và nghị lực của một người "thương binh tàn nhưng không phế".

PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.