Theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 21 giải thích như sau: “Ấm ớ” là từ gợi tả vẻ tỏ ra không hẳn biết, nhưng cũng không hẳn là không biết về điều gì (trả lời ấm ớ); từ gợi tả lối làm việc đại khái, không rõ ràng, không đâu vào đâu (làm ăn ấm ớ, được sao hay vậy).

Còn “hội tề” (trang 518) chỉ cơ quan hành chính cấp làng ở Nam Bộ thời thực dân Pháp (Ban hội tề); hoặc chỉ cơ quan hành chính cấp làng xã ở vùng địch kiểm soát trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Theo Giáo sư Nguyễn Lân giải thích trong cuốn Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, “ấm ớ hội tề” nói những người ở vùng tạm bị địch chiếm trong thời kỳ kháng chiến không có thái độ dứt khoát.

Trong cuốn Đi tìm điển tích thành ngữ của Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2020 có ghi lại câu chuyện: Thời thực dân Pháp cai trị nước ta, đã lập ra một chức vụ là hội tề ở cơ sở nhằm dễ bề sai khiến. Tuy nhiên, bọn hội tề thường bị dân làng ghét bỏ nên lâm vào tình trạng khó xử. Ở một ngôi làng, có hai ông làm chức hội tề, một ông tên là Ấm, một ông tên Ớ.

Một hôm, quan Tây đánh giấy về làng truy lùng hai người đàn ông bị tình nghi trốn tránh tại đây. Quan Tây gọi ông Ấm, ông Ớ lên hỏi có thấy kẻ lạ mặt không? Ông Ấm trả lời, lúc này lúc khác thì cũng thấy đấy. Nghe vậy quan Tây bực tức hỏi, ở làng có bao nhiêu đàn ông? Ông Ớ trả lời, lúc có đàn ông, lúc có đàn bà. Tức quá, quan đập bàn và gọi một người đàn bà vào hỏi, ở làng có bao nhiêu đàn ông? Chị ta thủng thẳng đáp, lúc này trừ trẻ con và phụ nữ ra thì chỉ có ông Ấm, ông Ớ đây là đàn ông thôi ạ.

Quan giận đùng đùng quát: “Đồ ăn hại. Đúng là một lũ ấm ớ hội tề”.

VĂN TUẤN