Luận bàn về “Khích tướng kế” trong quyển “Tam thập lục kế”, Nhà xuất bản Long An, năm 2015, trang 41, dẫn lời của Mạnh Tử: “Nhất nộ nhi an thiên hạ”, đại ý là, trong đời có nhiều việc thu được thành tựu bằng một cơn giận và cũng có nhiều việc thất bại bởi một cơn giận. Khích tướng còn là khơi dậy cái hùng khí của người khác để người ấy làm việc cho ta. Đối tượng tốt nhất của kế khích tướng là những người có tính tình bạo tháo hay sẵn sàng phẫn nộ.

Thời Chiến Quốc, Tần là nước mạnh nhất. Để liên hợp sáu nước Triệu, Hàn, Chu, Ngụy, Tề, Yên làm hiệp ước hợp tung chống lại sự xâm lược của nước Tần, Tô Tần-Thừa tướng nước Triệu đã vận dụng chỗ vi diệu của kế khích tướng.

Giữa lúc Tô Tần đang thuyết phục hai nước Yên, Triệu, chuẩn bị sang nước Ngụy thì nghe tin Tần đem binh đe dọa Triệu. Tô Tần lo lắng cho kế hoạch hợp tung nên muốn tìm người có khả năng đến nước Tần vận động, nắm đại quyền thì mới mong yên thân được.

Người mà Tô Tần nghĩ đến là Trương Nghi, bạn học và cũng là anh em kết nghĩa.

Ông gọi người tâm phúc đến dặn: “Ta cấp ngàn lạng vàng. Ngươi đổi danh là Cổ Xá Nhân đến gặp Trương Nghi nói như này... như này...”.

Xá Nhân đến nước Ngụy, đúng lúc Trương Nghi định qua Triệu quốc tìm Tô Tần. Nên khi gặp nhau, sau hồi lâu trò chuyện, Trương Nghi rất hào hứng cùng Xá Nhân gặp Tô Tần. Về nước Triệu, Xá Nhân bỏ đi mất. Trương Nghi khăn áo chỉnh tề đến gặp Tô Tần nhưng lính canh không cho vào. Hôm sau cũng vậy. Đến lần thứ năm Trương Nghi buồn bực vô cùng, nấn ná thêm mấy hôm, không nhẫn nhịn được nữa định đến phủ thừa tướng để lại mấy lời từ biệt thì được Tô Tần hẹn mai gặp.

Hôm sau, khi Trương Nghi đến gặp, Tô Tần cố ý để đứng đợi dưới thềm, đến giờ ngọ mới gặp, nhưng tỏ thái rất nhạt nhẽo làm Trương Nghi uất khí lên cổ. Khi gia nhân báo ăn cơm trưa, Tô Tần ngồi mâm trên cao, để Trương Nghi ngồi mâm bên dưới.

Dùng bữa xong, khi trò chuyện, Tô Tần tỏ ra lạnh nhạt và cố tình nói khích: “Tưởng anh là người tài năng nên tôi mới toan bàn vài câu chuyện. Nhưng thực xét ra, anh chỉ là người vô dụng”. Tức giận, Trương Nghi bỏ sang nước Tần. Tô Tần ngầm cử Xá Nhân theo cùng, giúp đỡ Trương Nghi và lo toan mọi chuyện tiền bạc, chi phí hoạt động.

Ít lâu sau, Trương Nghi được Tần Huệ Vương trọng dụng. Bao nhiêu việc quan trọng của triều đình đều bàn với Nghi.

Gặp Xá Nhân, Trương Nghi bày tỏ mong muốn được báo ơn. Lúc này Xá Nhân cười đáp rằng: “Ông hãy báo đáp bạn học của ông trước đã”. Và đem chuyện Tô Tần sắp đặt kể lại cho Trương Nghi nghe. Bấy giờ Trương Nghi mới rõ ý đồ của Tô Tần và dốc hết sức ngăn nước Tần phá hoại kế hoạch hợp tung của Tô Tần.

VĂN TUẤN