Lộng ngữ là một nghệ thuật độc đáo trong tiếng Việt và còn có cách gọi khác là chơi chữ. Theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 738, “lộng ngữ” nghĩa là chơi chữ.
Quyển “150 thuật ngữ văn học”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2023 luận giải, “lộng ngữ” (trang 237) còn gọi là chơi chữ, một biện pháp tu từ, tập trung khai thác những tương đồng về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh nhằm tạo ra những liên tưởng bất ngờ, thú vị. Ở những ngôn ngữ đơn tiết (mỗi từ là một âm tiết), khả năng đa nghĩa tiềm tàng ở mỗi âm tiết là cơ sở cho việc chuyển nghĩa theo những liên kết khác nhau, tạo ra nhiều kiểu dạng lộng ngữ phong phú. Những chuẩn mực quy phạm về từ chương (ví dụ phép đối, niêm luật các thể thơ, phú...) như một định hướng cho việc trau dồi và sử dụng ngôn ngữ cũng có tác dụng thúc đẩy sáng tác chú ý khai thác những liên hệ, liên tưởng mang tính ngẫu nhiên và thuần túy ngôn từ này, mang lại cảm giác thú vị của trò chơi ngôn ngữ.
Lộng ngữ có thể được tạo ra do khai thác các từ đồng âm: “Một trăm thứ dầu, dầu chi là dầu không thắp?/ Một trăm thứ bắp, bắp chi là bắp không rang?”. Muốn biết nghĩa của các từ "dầu", "bắp" trong các câu hát đố trên, ta tìm hiểu tiếp phần đáp lại thì mới thấy được sự điêu luyện của nghệ thuật này. “Một trăm thứ dầu, dãi dầu thì không ai thắp/ Một trăm thứ bắp lắp bắp mồm, lắp bắp miệng thì chẳng ai rang”; hoặc sử dụng từ cùng nghĩa, gần nghĩa: “Đi tu Phật bắt ăn chay/ Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không”; đôi lúc ghép những từ cùng trường nghĩa với tính chất trào lộng: “Chị Xuân đi chợ mùa hè/ Mua cá thu về chợ hãy còn đông”.
Lộng ngữ thường tạo nên những liên tưởng bất ngờ, thú vị về nhận thức, đồng thời có tác dụng châm biếm, hài hước, thư giãn bằng chữ nghĩa.
VĂN TUẤN