Câu thơ trên tác giả đã sử dụng biện pháp tỷ dụ (còn gọi là so sánh). Trong phép tỷ dụ, nhà thơ lấy một hình ảnh cụ thể “cánh buồm” để so sánh với một hình ảnh trừu tượng “mảnh hồn làng”. Viết như vậy thật độc đáo! “Mảnh hồn làng” gợi đến truyền thống chăm chỉ, cần cù và bao đức tính quý báu của người dân vùng biển. So sánh “cánh buồm” với “mảnh hồn làng” khiến hình ảnh cánh buồm trở nên thiêng liêng, xúc động biết bao.
Theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 1240, “tỷ dụ”: (1) thí dụ (đơn cử một tỷ dụ); (2) Phép so sánh để làm nổi bật một tính chất nào đó (nói “trắng như trứng gà bóc” là dùng phép tỷ dụ).
Quyển “150 thuật ngữ văn học”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2023, trang 468 luận giải “tỷ dụ” là phương thức chuyển ngữ, biện pháp nghệ thuật biểu đạt bằng ngôn ngữ hình tượng được thực hiện trên cơ sở đối chiếu và tìm ra những dấu hiệu tương đồng nhằm làm nổi bật thuộc tính, đặc điểm của sự vật hoặc hiện tượng này qua thuộc tính, đặc điểm của sự vật hoặc hiện tượng khác.
Giá trị của tỷ dụ như một hành vi nhận thức bằng nghệ thuật ở chỗ: Việc đem xáp lại gần nhau những đối tượng khác nhau giúp phát hiện được ở đối tượng, bên cạnh các dấu hiệu cơ bản, dấu hiệu bổ sung, làm tăng ấn tượng nghệ thuật.
Tỷ dụ có thể thực hiện chức năng mô tả tạo hình, chức năng biểu cảm hoặc kết hợp cả mô tả tạo hình lẫn biểu cảm. Dạng thông thường của tỷ dụ có hai vế, nối với nhau bởi các liên từ “như”, “bằng”, “hơn”, “kém”.
VĂN TUẤN