Đồng Tước là tên một cái đài được Ngụy Võ Đế, tức Tào Tháo, tự là Mạnh Đức xây trên sông Chương Giang, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc thời Tam Quốc. Trong tiệc khánh thành, con trai của Tào Tháo là Tào Thực đã phú vịnh Đồng Tước, trong bài có câu: “Liên nhị kiều ư Đông Tây hề/ Nhược trường không chi nhuế đống”. Dịch nghĩa là “Bắc liền hai cây cầu ở Đông Tây như cái cây cầu vồng nổi lên giữa lưng trời”.

Sau này, Khổng Minh là quân sư của Lưu Bị sang Đông Ngô thuyết khách tìm cách gây xích mích để Tôn Quyền và Tào Tháo chiến tranh. Khổng Minh biết Tôn Sách (anh trai của Tôn Quyền) và Chu Du cùng lấy chị em nhị Kiều-hai mỹ nhân nổi tiếng bậc nhất Đông Ngô. Tôn Sách lấy người chị là Đại Kiều, Chu Du lấy người em là Tiểu Kiều. Khổng Minh nghĩ ra một kế, đến gặp Chu Du và nói: “Tướng quân có biết vì sao Tào Tháo cho xây đài Đồng Tước chăng?”. Chu Du nói không biết, Khổng Minh nói thêm: “Tào Tháo xây đài Đồng Tước mục đích là sau chiến tranh sẽ bắt Đại Kiều và Tiểu Kiều về chung vui”. Chu Du giận đỏ mặt, vội hỏi bằng cớ. Biết Chu Du đã mắc mưu, Khổng Minh bình tĩnh đáp: “Tôi đọc bài phú vịnh Đồng Tước đài để tướng quân nghe”. Đọc đến hai câu: “Liên nhị kiều ư Đông Tây hề/ Nhược trường không chi nhuế đống”, Khổng Minh sửa thành: “Lãm nhị Kiều ư Đông Nam hề/ Lạc triêu tịch chi dữ cộng”. Nghĩa là bắt hai nàng Kiều ở Đông Nam về để sớm tối chung vui. Chu Du nghe vậy càng căm tức, quyết chí tiêu diệt quân Tào. Sau đó, trên sông Xích Bích, Chu Du đã đánh một trận hỏa công khiến Tào Tháo đại bại.

Theo cuốn, "Điển tích trong truyện Kiều", Nhà xuất bản Đồng Nai, 1996, Đỗ Phủ-nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc, khi qua chơi Xích Bích đã làm bài thơ hoài cổ, trong đó có câu: “Đông phong bất dữ Chu Lang tiện/ Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều”. Dịch là: “Gió Đông chẳng giúp thuận chiều/ Trong đền Đồng Tước hai Kiều khóa xuân”.

VĂN TUẤN