Xét về ngữ nghĩa, hai từ “ăn ốc” và “nói mò” không có mối liên hệ về nhân quả. Khi đi cạnh nhau chúng thể hiện sự không nhất quán giữa hành động và lời nói.
Theo cuốn Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, năm 2021, “mò” trang 802 là sờ tìm khi không tìm thấy được (mò cua, mò ốc...); tìm một cách hú họa, may rủi vì không có căn cứ (đoán mò, nói mò...); tìm đến một cách không đàng hoàng (kẻ gian mò vào nhà). Như vậy, từ “mò” dùng trong câu thành ngữ có tính chất mơ hồ không định hướng rõ ràng. Từ “ốc” được chọn là hình tượng trong câu thành ngữ.
Theo kiến giải của Giáo sư Nguyễn Lân trong cuốn Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, “ăn ốc nói mò”, (từ “mò” dùng theo cách chơi chữ đối với từ “ốc”) phê phán những kẻ chỉ đoán phỏng về những việc chính mình không biết.
Trong cuốn Đi tìm điển tích thành ngữ của Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2020 có ghi lại một giai thoại văn học. Một lần cụ Tú Xương đến chơi nhà người bạn. Được bạn đãi món ốc luộc, cụ nói: “Chủ nhà nhắc khéo chúng ta nói mò thì được chứ không được viết mò chứ gì?”. Rồi cụ kể câu chuyện: Xưa có cô gái hay đi mò ốc. Có lần cô biếu mớ ốc cho nhà ông Lý. Không ngờ, một hôm vợ ông Lý gặp cô gái mắng té tát: “Mày tình ý gì mà biếu ốc nhà tao. Nhà mày mất ốc dốc của nhà tao”.
Lần khác gặp mặt, vợ ông Lý lại mắng cô gái xối xả: “Mày lả lơi ong bướm. Nhà tao mất vàng, mất bạc vì mày”. Rồi xỉa xói thêm: “Oan nỗi gì? Sao mày treo giỏ ốc lên giậu nhà tao như ám hiệu. Lại phải thằng ở nhà tao léng phéng với mày. Ông nhà tao hay thằng ở, đứa nào ăn ốc, đứa nào đổ vỏ?”. Lúc này cô gái tức quá mới đốp lại: “Bà ăn không nói có cho con rồi”. Nghe tới đây thằng ở nhà ông Lý bước ra mới hát rằng: “Ai ơi ăn ốc nói mò/ Ăn măng nói mọc/ Ăn cò nói bay/ Ai ơi ăn tạp nói chay/ Ăn đơm nói đặt, nói chày ăn cua".
Rồi cụ Tú Xương giảng giải: “Nói mò là đoán mò, nói không có cơ sở. Còn nói mọc là nói mọc xưng, mọc xỉa. Nói bay là nói bay nói biến. Xét cả cặp thành: Ốc thì mò, măng thì mọc, cò thì bay đúng với quy luật tự nhiên. Còn tạp đối xứng với chay, đơm đối với đặt và chày đối với cua”.
VĂN TUẤN