Thời phong kiến, áo gấm là một loại áo thường được vua ban cho những người đỗ đạt cao hoặc những người lập được công trạng với đất nước. Do vậy, mặc tấm áo gấm thể hiện sự sang trọng và tôn quý. Còn từ “đi đêm” (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 394) là trao đổi, thỏa thuận ngầm từ trước để có lợi cho cả hai bên. Như vậy, “đi đêm” còn có thể hiểu là một hành động khuất tất, mờ ám (ví dụ như: Tỷ số trận đấu đã bị “đi đêm” từ trước).
Theo Giáo sư Nguyễn Lân giải thích trong cuốn Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, “áo gấm đi đêm”: Cái đẹp phô ra không đúng lúc nên chẳng có ích gì.
Ở một lớp nghĩa khác, câu thành ngữ còn muốn phê phán sự không hợp lý, không đúng lúc, đúng chỗ của một hành động nào đó mang mục đích thiếu trong sáng như câu chuyện được ghi lại trong cuốn "Đi tìm điển tích thành ngữ" của Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2020:
Có một người học trò dốt nát nhưng hay khoác lác. Anh ta nói với vợ:
- Ta phen này đi thi nhất định đỗ, sẽ có áo gấm mặc về làng. Cả làng ra đón. Bọn quan lại nhãi nhép ở cái tổng này phải ra mà cúi lạy. Lúc ấy, ta thật danh giá, mình cũng được thơm lây.
Người vợ chẳng chút nghi ngờ, dốc sức ngày đêm tần tảo lo toan cho chồng ăn học. Đến ngày hội thi, do học hành không đến nơi đến chốn nên anh chàng học trò bị trượt. Nghĩ đến lời nói ngày nào trót ba hoa với vợ nên anh ta rất xấu hổ. Để giải nguy, anh ta làm thân với một người thi đỗ đã được bổ nhiệm làm quan, mượn chiếc áo gấm. Trở về làng, mặc áo gấm ban ngày anh ta sợ có người biết mình thi trượt sẽ đi báo quan nên phải chờ đêm tối mới mặc áo gấm rồi lẻn về nhà. Vợ thấy chồng mặc áo gấm thì lấy làm vinh dự lắm liền nói với chồng:
- Sáng mai, tôi mời hai bên nội ngoại đến ăn mừng thầy nó được ban áo gấm.
Sáng sớm, họ hàng và người dân trong làng kéo đến rất đông. Người thì chúc mừng anh học trò, kẻ thì hiếu kỳ muốn xem áo gấm thực hư thế nào. Chờ mãi sốt ruột, một người bảo:
- Áo gấm đâu, mặc vào cho cả làng thơm lây.
-Áo gấm của tôi vua ban chỉ được mặc vào ban đêm thôi. Anh học trò lúng túng trả lời.
Chuyện vỡ lở, người làng mới giễu rằng: “Vẻ vang gì áo gấm đi đêm/ Khác gì cái mảnh chăn mền vắt vai”.
VĂN TUẤN