Diễn tả nỗi lòng đau đớn của nàng, cụ Nguyễn Du viết: "Tái sinh chưa dứt hương thề/ Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai".

Từ “trúc mai” ở hai câu thơ trên tác giả đã dùng điển tích.

Trúc mai là cây trúc và cây mai. Hai loại cây chịu được sương giá, tuyết lạnh, dù sống trong điều kiện khắc nghiệt mà vẫn vươn lên xanh tốt. Trong hội họa, họa sĩ lấy 4 loại cây là tùng-cúc-trúc-mai làm nguồn cảm hứng vẽ tranh tứ quý, tượng trưng cho 4 mùa trong năm.

Trong sách "Lưỡng ban vũ thư tùy bút" có ghi lại câu chuyện: "Ngày xưa, tại huyện Long Môn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc có một cái đầm nước rất đẹp. Vào mùa thu, các loại cây đều rụng hết lá. Chỉ còn hai cây trúc và mai lá vẫn xanh tốt nên thu hút du khách đến thưởng ngoạn. Trong số khách ấy có nàng Hoàng Kỳ Mai đẹp về cốt cách như cành mai và chàng trai Lâm Bá Trúc. Nơi đầm Long Môn, chính hai loại cây này tô điểm cho cảnh vật hữu tình, làm cho đôi trai tài, gái sắc gặp được nhau. Trải qua một mùa thu, qua những lần tri ngộ, đôi trai gái đã yêu nhau tha thiết.

Đông đến, Hoàng Kỳ Mai và Lâm Bá Trúc phải tạm biệt nhau để trở về quê hương. Tình yêu ấp ủ trong lòng. Ngày chia tay không biết bao giờ được gặp lại. Một hôm, hai người nắm tay nhau trên thuyền, Hoàng Kỳ Mai bẻ một cành trúc, Lâm Bá Trúc bẻ một cành mai, đôi trai gái thề nguyền: “Hai cành trúc mai là đôi chúng ta. Nếu quả lương duyên trời định, chúng ta nên vợ, nên chồng thì sau khi chúng ta cùng ném cành mai và cành trúc này xuống mặt hồ, mỗi cành mỗi nơi. Nếu gió đưa nước cuốn hai cành trúc mai hợp lại với nhau thì sẽ về thưa với song đường tác hợp lương duyên”.

Thề nguyện xong, cả hai thả cành trúc, cành mai xuống hồ hai hướng khác nhau. Sau một thời gian gió đưa nước đẩy hai cành trúc mai hợp lại một chỗ. Lời ước nguyện linh ứng, Lâm Bá Trúc và Hoàng Kỳ Mai nên duyên vợ chồng".

Các nhà văn, nhà thơ thường mượn điển tích “trúc mai” để nói tình nghĩa phu thê. Và trong "Truyện Kiều", cụ Nguyễn Du cũng đã mượn điển tích “trúc mai” để nói lên điều đó.

VĂN TUẤN