Tìm hiểu trong cuốn Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 360, chữ “đánh” trong trường hợp này được dùng với nghĩa: Làm cho trở thành, trong thực tế hoặc trong nhận thức, điều mà lẽ ra không phải như thế. “Chữ tác” và “chữ tộ” là hai chữ khác nhau nhưng bị sử dụng nhầm lẫn tạo ra hiểu lầm đáng tiếc.
Giáo sư Nguyễn Lân giải thích trong quyển Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, “Chữ tác đánh chữ tộ”, chê người dốt lẫn lộn hai điều khác nhau.
Câu thành ngữ được bắt nguồn từ một giai thoại cổ. Theo sách Lã Thị Xuân Thu-Sát truyện, vào thời Xuân Thu ở Trung Quốc, một hôm Tử Hạ (học trò của Khổng Tử) đến nước Tấn. Trên đường đi qua nước Vệ, ông nghe thấy có người đọc: “Tấn sư tam thỉ thiệp hà”, dịch nghĩa là “Quân Tấn ba lợn qua sông”. Chữ “tam thỉ” nghĩa là “ba lợn”. Đọc như vậy thì câu văn rất tối nghĩa, khó hiểu. Tử Hạ lấy làm lạ, bèn xem và nói ngay: “Không phải “tam thỉ” đâu mà là “kỷ hợi”. Người khách lạ đọc sai là vì không biết rằng chữ “kỷ hợi” cổ viết gần giống chữ “tam thỉ”. Dù Tử Hạ đã giải thích nhưng nhiều người vẫn bán tín bán nghi. Khi sang nước Tấn, Tử Hạ cất công đi tìm hiểu rõ vấn đề, được các bậc danh nho chỉ rõ câu này đúng là: “Tấn sư kỷ hợi thiệp hà”, nghĩa là “Quân Tấn sang sông vào ngày kỷ hợi”. Ngày kỷ hợi là một ngày đã định theo thiên can địa chi.
Từ đó, người đời lấy tích này để nói những người không chịu học hành, chữ nghĩa kém cỏi, dùng chữ bị nhầm lẫn lung tung.
PHẠM TUẤN