Dùng đồ vật gắn liền với lao động sản xuất ở nông thôn, câu thành ngữ truyền tải ý tứ tinh tế, sinh động và giàu hình tượng ví von trong cuộc sống để nhắc nhở, khuyên răn con người sống không nên ích kỷ. Mình thiệt một chút, người khác lợi một chút cũng vui, cũng bằng lòng.

GS Nguyễn Lân giải thích trong cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, “Lọt sàng xuống nia” ý nói mình không hưởng thì bà con, họ hàng mình hưởng.

Cuốn "Đi tìm điển tích thành ngữ" của Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2020 kể câu chuyện, một hôm, cái nia than phiền với bà hàng xáo: “Bà chẳng hiểu cho, tôi to thế này, vậy mà bà đặt tôi nằm ngửa trên đất, rồi cho cái sàng hong đít lên mặt, lại còn vãi cám vào mặt, làm bẩn nia tôi”. Vừa lắc đi lắc lại cái sàng, bà hàng xáo cảm phiền: “Mày đích thực là cái nia. Nong, nia gì cũng để hứng đựng. Mày to hơn cái sàng, nằm dưới là phải quá rồi”.

Theo tay sàng của bà hàng xáo, hạt gạo cứ nhảy nhót trên mặt sàng. Cái tấm, cái cám bị dồn xuống dưới, lọt lỗ mà rơi xuống nia. Bà hàng xáo lại khéo tay hất nhẹ những hạt gạo trắng thơm vào thúng. Cái nia dần ùn lên một đống tấm cám. Nằm cùng với cái tấm, cái cám ở dưới nia còn có vô số hạt gạo lành. Bà hàng xáo nhìn cái nia nói: “Bây giờ gạo đã ra gạo. Chút nữa lấy cái giần ra, giần một lát để tách cái tấm và cái cám ra riêng”. Nghe vậy, những hạt gạo lành bị lọt nằm ở trong nia mới lên tiếng: “Người chẳng công bằng, rành rọt chút nào. Tôi đây là những hạt gạo lành, sao lại chung số phận với cám được”.

Bà hàng xáo nhìn xuống nia thấy có nhiều hạt gạo lành lẫn vào đám tấm cám liền bảo: “Chẳng phải ta muốn thế, mà là do cái sàng này, nan đan không đều, có lỗ to lỗ nhỏ nên chúng mày lọt qua lỗ sàng mà rơi xuống. Thôi, to nhỏ nhiều ít, lành lặn gì thì nia với sàng chúng mày đều là anh em, họ mạc cả, lọt sàng thì xuống nia, đi đâu mà thiệt”.

PHẠM TUẤN