Theo Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, năm 2005, “biền” (trang 51) nghĩa là hai ngựa đi kềm nhau-cặp kè nhau; “ngẫu” (trang 499) nghĩa là số chẵn-đôi lứa.

Theo cuốn Từ điển Văn học (bộ mới), Nhà xuất bản Thế giới, năm 2004, trang 127, “biền ngẫu” là loại văn chương gồm nhiều vế đối nhau thành từng cặp. Mỗi cặp là một liên, và cũng có thể ngay trong một vế cũng có hai đoạn đối. Yêu cầu của đối là đối về ý và đối về chữ. Đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau đặt thành hai câu sóng nhau. Đối chữ: Vừa phải đối về thanh, vừa phải đối về loại. Đối thanh thì theo nguyên tắc trắc đối bằng, bằng đối trắc; còn đối loại thì theo nguyên tắc đồng đối, theo ngữ pháp hiện đại thì các chữ phải cùng thuộc một từ loại (danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ...).

leftcenterrightdel
 

Do đặc điểm đối xứng về âm, về vần và những đòi hỏi khá cao trong niêm, luật; việc sử dụng từ ngữ chú trọng tính chất hoa lệ, tinh thông, thuần thục; tìm nhiều điển cố làm cho ý nghĩa câu văn thêm phần súc tích nên trong quá trình phát triển, lối văn biền ngẫu đã đạt được những thành tựu nghệ thuật đáng kể, phù hợp với tiêu chuẩn thẩm mỹ của nền nghệ thuật tượng trưng thời phong kiến. Nhưng dần dần thể văn này trở nên khuôn sáo, chú trọng vẻ đẹp hình thức, tìm những lời lẽ hoa mỹ để phô diễn, cốt sao cho câu văn được đăng đối, âm vận hài hòa, đọc lên nghe réo rắt, du dương mà không chú ý tới yêu cầu của nội dung, tư tưởng của hiện thực được phản ánh. Vì vậy, ở Trung Quốc vào thời Đường và thời Tống đã có những nhà văn như Hàn Dũ, Tô Đông Pha... đứng lên đả phá, phê phán hình thức biền ngẫu và chủ trương văn chương phải viết sao cho hùng mạnh, có khí lực.

Việt Nam, đến thời cận đại, biền ngẫu vẫn được sử dụng rộng rãi trong nhiều thể loại văn chương hành chính cũng như văn chương thi cử, nhưng tới nay loại văn chương này ít được sử dụng do không phù hợp với các trào lưu tư tưởng mới.

PHẠM TUẤN