3 đòn chiến lược đó thể hiện phương thức nghệ thuật tác chiến chiến lược sáng tạo của ta.
Theo Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2009), “tác chiến” là hành động đánh địch có tổ chức của các đơn vị lực lượng vũ trang để thực hiện nhiệm vụ được giao. “Tác chiến chiến lược” là hành động tổ chức các đơn vị lực lượng vũ trang thực hiện các phương châm, chính sách và mưu lược được hoạch định để xác định mục tiêu, sắp xếp, quy tụ lực lượng và đề ra giải pháp nhằm đạt một mục đích nhất định bằng con đường có lợi nhất, tạo ra trạng thái phát triển mới trong một thời gian nhất định.
Nghệ thuật tác chiến chiến lược của ta là nghệ thuật của chiến tranh nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, giữa quân sự với chính trị; tiến hành tác chiến trên toàn bộ chiến trường; đánh địch trên toàn bộ chiến tuyến, đánh cả ở phía trước mặt địch và đằng sau lưng địch, trên cả 3 vùng chiến lược.
Thế trận chiến lược trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 được triển khai từ Quảng Trị qua Tây Nguyên đến Sài Gòn và Đồng bằng Nam Bộ. Ta đồng thời đánh trên toàn tuyến Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và phía Bắc, phía Tây Sài Gòn, làm cho địch lúng túng, bị động, phải phân tán.
Rồi ta tập trung lực lượng đánh đòn chiến lược thứ nhất giải phóng Tây Nguyên và đánh đòn thứ hai gối đầu ngay, giải phóng Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, tiếp tục phát triển giải phóng Tuy Hòa, Phú Yên, Nha Trang, Cam Ranh. Trên đà đó, ta dồn tất cả lực lượng, các quân đoàn dự bị chiến lược, lực lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long, cùng lực lượng chiến lược phía Nam đã đứng chân sẵn ở ngoại ô Sài Gòn, thực hành đòn chiến lược thứ ba then chốt quyết định, giải phóng Sài Gòn một cách nhanh gọn.
Đây là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam được phát triển lên tầm cao mới trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Kết quả, chỉ trong 56 ngày đêm, ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
VĂN TUẤN