Theo "Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam" (Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2009), “hỏa khí” là vũ khí sử dụng chất nổ, cháy (ví dụ: Súng, pháo, tên lửa, súng phun lửa...). Theo nghĩa hẹp, “hỏa khí” là vũ khí dùng áp lực khí thuốc sinh ra khi đốt cháy thuốc phóng hoặc hỗn hợp cháy đặc biệt để đẩy đạn đi; được phân thành hai nhóm lớn: Súng và pháo.
Còn “hỏa lực” là sức sát thương sinh lực và phá hủy các mục tiêu đối phương trong tác chiến, được tạo ra bằng việc bắn (phóng, ném, đặt...) đạn, bom, mìn, từ các hỏa khí và phương tiện khác. Theo loại vũ khí của các quân chủng, binh chủng, có hỏa lực: Bộ binh, pháo binh, phòng không, xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, không quân, tàu hải quân, tên lửa...; theo tính chất và tác động vào đối phương, có hỏa lực: Tiêu diệt, chế áp, tiêu hao, kiềm chế...
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, những chiến sĩ pháo binh Việt Nam đã tháo rời các khẩu pháo rồi dùng sức người đưa đến vị trí hầm bí mật mới lắp ráp lại. Tất cả các khẩu lựu pháo đều bố trí phân tán trong những căn hầm kiên cố, trên thế cao, được ngụy trang kín đáo, bên cạnh là những trận địa giả, đánh lạc hướng địch. Với thế trận hỏa lực này, các khẩu pháo của bộ đội ta bố trí cách mục tiêu 5-7km, chỉ bằng một nửa tầm bắn tối đa để bắn chính xác hơn, ít tốn đạn và sức công phá cao hơn.
Khi khai hỏa vào mục tiêu, dù các khẩu pháo đặt phân tán ở nhiều vị trí nhưng vẫn có thể bắn trúng, tập trung vào một mục tiêu. Lối đánh này giúp pháo binh Việt Nam đè bẹp được pháo binh Pháp, góp phần tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, nâng tầm cách đánh “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, trở thành nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam.
PHẠM TUẤN