Theo cuốn Từ điển Văn học (bộ mới), Nhà xuất bản Thế giới, năm 2004, trang 71, “ẩn ngữ” là phương thức tu từ, người ta cố ý bỏ lửng một số từ, một số đoạn trong câu để người đọc từ ngữ cảnh, tự suy nghĩ diễn ra. Ẩn ngữ được dùng khi không tiện nói, vì phải kín đáo, tránh thô tục, khi có xúc động mạnh, nghẹn ngào, uất ức, giận dữ...
Ẩn ngữ có giá trị nghệ thuật cao khi gợi được cho người đọc sự tưởng tượng phong phú, gây cảm giác bất ngờ và lý thú như trong văn hài hước, châm biếm, đả kích...
Trong bài thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu viết: "Tiếng ai tha thiết bên cồn/ Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi/ Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...".
Dấu chấm lửng trong câu: “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...” là điểm nhấn đặc biệt về phương diện hình thức nghệ thuật “ẩn ngữ” của đoạn thơ trên. Tâm trạng bâng khuâng, xúc động, nghẹn ngào được dồn nén ở câu thơ cuối đoạn và rồi chất đầy ở dấu ba chấm. “Biết nói gì” không phải là không có gì để nói mà có biết bao nhiêu điều muốn nói nhưng không thể nói hết nên câu. “Biết nói gì” không phải là sự nguội lạnh, dửng dưng, vô cảm, vô tình trước tình cảm thủy chung của người ở lại, mà lại là biết bao tâm sự chồng chất muốn nói ra nhưng không thể bởi sự xúc động, nghẹn ngào trong hoàn cảnh “buổi phân ly”.
PHẠM TUẤN