Theo Giáo sư Nguyễn Lân giải thích trong cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, trang 88, “chọc gậy bánh xe” là nói những kẻ phá ngang công việc của người khác.

Quyển “Từ điển Tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, lý giải “Chọc gậy bánh xe” ví hành động đâm ngang, làm ngăn trở công việc đang tiến triển của người khác.

Ngày nay, câu thành ngữ được dùng phổ biến để chỉ những mưu tính, hành động ngăn trở, phá hoại hoạt động của người khác. Hành động này thường không công khai nhưng đầy ác ý.

Trong quyển “Đi tìm điển tích thành ngữ”, Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2020 kể câu chuyện, sau khi tiến đánh vùng đất của người da đỏ ở xứ sở săn bò, phía Tây dãy núi Appalachian (Bắc Mỹ), người cầm đầu “những người tiên phong” tuyên bố: “Hỡi những người tiên phong, hãy dũng cảm căng cương ngựa, cho những bánh xe mở đất làm nhiều điều kỳ diệu”. Đêm hôm đó, họ tập hợp hơn một trăm xe ngựa lại để đề phòng người da đỏ đánh bất ngờ.

Sáng ra, khi mặt trời nhô lên, đoàn xe của “những người tiên phong” tiến về phía dốc, nơi có vách đá, vực sâu. Đúng đoạn đường quanh co, hiểm trở nhất bất ngờ trong núi có hiệu lệnh vang lên, từ các lùm cây và vách đá, những cây gậy lao thẳng vào các bánh xe ngựa kéo. Những chiếc xe đang đà chạy bị những chiếc gậy cản bánh lệch hẳn sang một bên, khiến ngựa mất đà nghiêng ngả, xô đẩy. Chiếc xe thì lăn xuống vực, chiếc thì đập vào vách đá. Bị tấn công bất ngờ, “những người tiên phong” không kịp trở tay nên bị tiêu diệt đáng kể.

Ăn mừng chiến thắng, thủ lĩnh bộ tộc người da đỏ tuyên bố: “Chiến thuật chọc gậy bánh xe thật hiệu quả. Chúng ta đã cản được đường tiến của những kẻ chiếm đất. Chúng ta đã chiến thắng”.

VĂN TUẤN