Bàn về “Trận Như Nguyệt”, quyển “Bách khoa tri thức Quốc phòng toàn dân”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2003 viết, sau thất bại cuối thế kỷ thứ 10, nhà Tống lại tích cực chuẩn bị chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Lý Thường Kiệt đã phán đoán và xây dựng kế hoạch đối phó với địch là: Đánh bại cánh quân đường thủy, không cho hợp quân với đường bộ; bố trí lực lượng các đội thổ binh và lực lượng dân binh đánh chặn từng bước trên các cửa ải ở biên giới và xây dựng chiến tuyến Nam sông Như Nguyệt. Tại đây, quân ta xây dựng tuyến phòng ngự dài 80km, bố trí binh lực thành các lực lượng “trú chiến” (phòng ngự tại chỗ) và “thác chiến” (tiến công cơ động làm nhiệm vụ phản kích, phản công).

Ngày 8-1-1077, quân Tống xâm lược nước ta. Ở phía Bắc, quân địch bị lực lượng của ta chặn đánh, vừa tiêu hao, vừa làm chậm bước tiến. Ngày 18-1-1077, quân Tống mới đến được bờ sông Như Nguyệt, đóng thành hai cụm quân: Cụm Quách Quỳ và cụm Triệu Tiết.

Đến đầu tháng 2 năm ấy, Quách Quỳ bắc cầu phao, tung kỵ binh vượt sông đánh vào trận địa của ta. Chúng đột phá qua dải phòng ngự tiến về phía Thăng Long, bị quân ta chặn lại và đưa kỵ binh đột kích cạnh sườn. Địch bị rối loạn, phần lớn bị tiêu diệt, phần còn lại vội vã tháo chạy. Đợt tiến công của địch bị đẩy lùi.

Sau đó, Quách Quỳ mở đợt tấn công thứ hai, nhưng vì thiếu phương tiện, lại chỉ có thể vượt sông trên hai bến hẹp là bến Thị Cầu và bến Như Nguyệt nên cuộc tiến công thứ hai của chúng bị thất bại. Địch buộc phải chuyển vào phòng ngự lâm thời chờ cơ hội.

Nắm được tình hình địch đã bị tiêu hao, mệt mỏi, đầu tháng 3, quân ta sử dụng 400 chiến thuyền ngược dòng Như Nguyệt đánh vào cụm Quách Quỳ từ hướng Đông. Đồng thời, Lý Thường Kiệt nắm đại quân vượt sông đánh thẳng vào cụm quân Triệu Tiết. Địch bị tiêu diệt đại bộ phận và buộc phải rút hết về nước.

"Trận Như Nguyệt" một lần nữa khẳng định cách đánh, giải quyết nhanh của quân đội nhà Lý. Ở đây, lần đầu tiên cũng đã xuất hiện một phương thức kết thúc chiến tranh với giặc phương Bắc là: Trong thế thắng, ta vẫn chủ động giảng hòa, mở đường cho giặc rút về nước.

Đánh giá về “Trận Như Nguyệt”, cuốn “Bách khoa toàn thư Quân sự Việt Nam”, Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2015, phân tích, về nghệ thuật quân sự, vai trò tổ chức chỉ huy của nhà quân sự thiên tài Lý Thường Kiệt thể hiện đặc sắc ở nghệ thuật chủ động tận dụng địa hình xây dựng phòng tuyến kiên cố (phòng tuyến sông Như Nguyệt), sử dụng lực lượng và phương thức tác chiến phù hợp, từng bước tiêu diệt sinh lực địch, tiến tới thực hiện trận quyết chiến chiến lược giành thắng lợi quyết định, chấm dứt chiến tranh bằng con đường có lợi nhất cho dân tộc. Chiến thắng Như Nguyệt đã đập tan ý đồ xâm lược của nhà Tống trong khoảng 200 năm.

VĂN TUẤN