Khi xẻ các lát gỗ lớn, để đánh dấu vị trí cần xẻ, người thợ mộc không dùng bút lông hay các loại bút thông thường, mà dùng một cuộn dây lớn có thấm mực tàu. Sau khi cố định một đầu dây vào vật nặng chuyên dụng gọi là “cân”, người thợ cầm đầu dây còn lại kéo dọc theo thớ gỗ sao cho khớp với chiều muốn xẻ. Khi đã ướm đúng vị trí, bác thợ cả liền bật dây nảy lên nảy xuống đôi lần sao cho mực ăn vào mặt gỗ. Vậy là đã có một “chuẩn mực”, cánh thợ xẻ cứ theo đường đó mà kéo cưa, tạo ra các lát cắt đều như ý.

Dựa vào thực tế đó, câu thành ngữ “cầm cân nảy mực” còn được dùng với hàm ý để chỉ người điều khiển công việc công bằng, hợp lý, không thiên vị, không sai lệch.

Theo Giáo sư Nguyễn Lân giải thích trong cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, trang 66, “cầm cân nảy mực”: (Nảy mực là bật dây mực trên mặt gỗ để cưa cho thẳng). Có nghĩa là điều khiển công việc sao cho công bằng và đúng đắn.

Trong cuốn "Đi tìm điển tích thành ngữ" của Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2020 có ghi lại câu chuyện, trong một gia đình thợ mộc. Lúc người cha sắp qua đời, gọi hai người con trai đến nhắc: “Đời ông, cha đã theo nghề này. Tuy không giàu nhưng mang lại niềm vui cho thiên hạ. Hai con cố giữ lấy nghề”.

Khi cha mất, người em vâng lời, ngày ngày vác đục, cưa lên đường làm nghề mộc. Còn người anh chuyển sang buôn bán. Vì ham làm giàu bất chính nên người anh chế ra một cái cán cân rỗng, bên trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng. Khi cân hàng bán cho khách thì dốc cán cân vào đằng móc. Khi cân hàng mua thì dốc cán cân về đằng quả. Như vậy, một cái cán cân vừa nặng lại vừa nhẹ, bao giờ phần lợi cũng về mình.

Vì buôn gian bán lận nên chẳng mấy chốc gia đình người anh trở nên giàu có. Vợ chồng bàn với nhau chẻ cân, tích đức cho con cháu về sau. Vài năm sau, hai đứa con của người anh lần lượt đột tử. Vợ chồng gào khóc. Bụt hiện lên bảo: “Ngươi cầm cân như thế thì trời phạt. Nay đã biết ân hận, chẻ cái cân đó ra, trời sẽ soi xét cho ngươi”.

Còn người em, làm ăn chăm chỉ, thật thà. Trước khi đặt khúc gỗ lên cưa, anh cẩn thận căng dây, ngắm đi ngắm lại sao cho đều, cho thẳng rồi mới nảy mực. Vì thế, không lãng phí một mẩu gỗ, đồ vật chế ra vừa chắc lại vừa đẹp, được nhiều người đến đặt hàng. Người em cũng trở nên giàu có và thường xuyên đem tiền đi giúp những người nghèo khó. Tuy nhiên, hai vợ chồng hiếm muộn con. Thấy người em có đức, ăn ở công bằng, Bụt hiện nên bảo: “Trời thương sẽ cho một đứa con”. Quả nhiên, sau đó người vợ mang thai, đẻ ra một đứa con trai kháu khỉnh...

VĂN TUẤN