Khi bàn về mưu kế này, quyển “Tam thập lục kế”, Nhà xuất bản Long An, năm 2015, trang 50 ghi: “Có hai loại “sấn hỏa đả kiếp”: Một là theo lửa để mà đánh cướp. Hai là chính ta phóng hỏa mà đánh cướp”.

Theo lửa tức là thừa lúc người ở trong cơn nguy biến mà ta quấy hỗn loạn thêm. Phóng hỏa tức là chính ta gây ra sự hỗn loạn mà thực hiện theo ý muốn của ta.

Theo lửa hay phóng hỏa cùng đi chung vào một mục đích là đánh địch và đoạt của địch để tạo cơ hội cho ta.

Theo lửa thì dựa vào thời cơ sẵn có. Phóng hỏa thì tự ta tạo ra thời cơ. Không thể phê phán theo lửa hay phóng hỏa, cái nào hay, cái nào dở, cái nào tốt, cái nào xấu, vì cả hai giống như một sự biến ảo giữa không khí và nước.

Cuối đời nhà Minh, vua Sùng Trinh chết, Lý Tự Thành thừa cơ cướp cung điện, tự xưng làm vua. Lý Tự Thành còn cho bắt vợ, thân phụ của tướng trấn biên ải nhà Minh là Ngô Tam Quế. Bắt thân phụ Ngô Tam Quế viết thư dụ hàng. Hay tin, Ngô Tam Quế đập bàn, thề thù nhà phải trả. Không giết được Lý Tự Thành không sống nữa.

Ngô Tam Quế đến gặp triều đình Mãn Thanh. Lúc này, vua Thuận Trị, 7 tuổi mới lên ngôi, quyền hành đều giao cho nhiếp chính Đa Nhĩ Cổn. Ngô Tam Quế tâu rằng: “Bây giờ triều Minh chẳng may trộm cướp hoành hành, vua bị hãm hại. Lực lượng của tôi ít ỏi không đủ đương đầu. Mong quý quốc động binh trợ giúp triều đình nhà Minh”. Đa Nhĩ Cổn nghe vậy như mở cờ trong bụng nhưng vẫn vờ từ chối. Đợi Ngô Tam Quế khẩn khoản nhiều lần mới bằng lòng.

Ngô Tam Quế dẫn quân Thanh về diệt Lý Tự Thành. Lý bị đại bại, phải bỏ kinh thành chạy trốn. Lúc này, quân Thanh thực hiện chính sách tầm gửi, nắm giữ quyền hành, mua chuộc quan lại và người dân. Ai theo thì giữ lại, không theo thì giết.

Ngô Tam Quế trả được thù nhà nhưng giang sơn xã tắc lọt vào tay nhà Thanh. Đa Nhĩ Cổn giỏi tận dụng thời cơ sử dụng kế “sấn hỏa đả kiếp”, mất ít công sức mà thu lợi lớn.

 VĂN TUẤN