Lời của Thúy Kiều trong cuộc trò chuyện này được đại thi hào Nguyễn Du viết:

Vẻ chi một đóa yêu đào

Vườn hồng chỉ dám ngăn rào chim xanh

Đã cho vào bậc bố kinh

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu

Theo quyển “Truyện Kiều chú giải” Lê Văn Hòe, Nhà in Á-Châu, năm 1956, “bố kinh” do bốn chữ “bố quần kinh thoa” viết rút ngắn, nghĩa là quần vải, trâm gai.

Chữ “bố kinh” dùng đề chỉ người vợ hiền lấy tích ở truyện Lương Hồng và Mạnh Quang mà ra.

Ở đất Giang Nam, Trung Quốc, có một hàn sĩ tên Lương Hồng, nhà nghèo, ham học, chuộng đạo đức, nhân nghĩa được bạn bè ca tụng, nổi tiếng là một hiền sĩ trong vùng Giang Nam.

Bấy giờ, có một nhà phú hộ nghe tiếng Lương Hồng là một hàn sĩ ham học, giữ đạo thanh bần nên đem lòng cảm mến. Trong buổi diện kiến ban đầu, nhà phú hộ đem tặng Lương Hồng hai gói trà hảo hạng nhưng Lương Hồng rất mực từ chối. Sau đó không lâu, người phú hộ lại một lần nữa mang lễ vật đến biếu Lương Hồng. Người phú hộ nâng hai tay, biếu một gói trà nhỏ bỏ bên trong mấy nén vàng để mong giúp đỡ Lương Hồng.

Lương Hồng lại từ chối: “Tôi mang ơn ngài đến thăm nhiều lần. Tôi và ngài trọng nhau vì tình, mến nhau vì nghĩa, lẽ nào để cho lễ vật, tiền của làm hoen ố mối tình đó. Tôi xin ngài đừng để tôi phải xa cách ngài”.

Tiếng đồn về tài đức của Lương Hồng mỗi lúc một lan xa. Cách nơi Lương Hồng ở chừng mười dặm, có nhà họ Mạnh, dòng dõi nho gia, giàu có mấy đời nhưng rất trọng nghĩa khinh tài, dân chúng khắp vùng ai cũng mến phục. Nhà họ Mạnh cũng có một tiểu thư tên nàng Mạnh Quang, sắc nước hương trời.

Nhà họ Mạnh nghe tiếng Lương Hồng nghèo tiền của, nhưng giàu đạo đức lại có ý muốn gả nàng Mạnh Quang cho họ Lương.

Thế là lễ thành hôn Lương Hồng và Mạnh Quang được cử hành.

Lúc mới về nhà chồng, Mạnh Quang mặc xiêm y lộng lẫy, trang sức toàn vàng ngọc đắt tiền, cốt để làm tăng sắc đẹp của người con gái. Nào ngờ Lương Hồng không lấy đó làm vui, qua bảy ngày không để ý đến, không chịu động phòng hoa chúc.

Nàng Mạnh Quang lấy làm lạ, nghĩ mãi. Mạnh Quang ngờ rằng do nàng trang sức quá lộng lẫy nên chồng nàng không bằng lòng chăng?

Chiều hôm sau, Mạnh Quang trút bỏ hết lớp xiêm y và các vật trang sức sang trọng để mặc quần áo vải, cài thoa gai đến bên chồng.

Thấy vợ mặc quần áo vải, cài thoa gai, Lương Hồng mừng rỡ nói: “Đây mới chính là vợ của Lương Hồng. Trong cao sang thường không giữ được nhân nghĩa, Lương chỉ muốn sống trong cảnh thanh bần, tự mình cày ruộng mà ăn, dệt vải mà mặc, lúc nào vợ cũng trọng chồng, chồng cũng yêu mến vợ”.

Nghe chồng nói, nàng Mạnh Quang mừng rỡ. Từ đấy, nàng ở với chồng rất mực cung kính, nổi tiếng là người vợ hiền trong thiên hạ.

Người đời sau, lấy chữ “bố kinh” trong điển tích này để chỉ những người vợ hiền.

VĂN TUẤN