Theo cuốn “Từ điển tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 259), “cội” nghĩa là gốc cây to, lâu năm.

Xét theo nghĩa bóng, câu thành ngữ “Lá rụng về cội” nói về việc con người (chiếc lá) dù có đi đâu, làm gì... thì cuối cùng đều trở về với quê hương, với cội nguồn, với nơi mình đã sinh ra (cội). Đây vừa là quy luật tự nhiên vừa là lời nhắc nhở chúng ta sống phải biết nhớ tới nguồn gốc của bản thân mình.

Theo Giáo sư Nguyễn Lân giải thích trong cuốn “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” (Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, trang 230), “Lá rụng về cội” nhắc người ta luôn luôn phải nhớ đến nguồn gốc, đến cha ông mình.

Trong cuốn "Đi tìm điển tích thành ngữ" (Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2020) có ghi lại câu chuyện đàn chim trên cây ríu rít nói chuyện với nhau: “Cây này lá xanh quanh năm suốt tháng, chi bằng ta kéo nhau về đây làm tổ”. Lá nghe vậy thốt lên:

- Lá đâu thể xanh tốt được quanh năm, già úa phải xa lìa cành.

- Lá ở đâu ra?

- Mẹ tôi là cây. Cây có gốc, mọc cành, đâm chồi thành lá.

- Lá có tổ như loài chim không?

- Lá không có tổ, nhưng có gốc, có rễ. Gốc rễ cũng như tổ tông.

Lá được xanh trên cành là nhờ rễ hút chất từ đất, nước. Khi lá già úa thì lìa cành rụng xuống. Lá hòa vào đất lại nuôi cây. Nên có câu “Lá rụng bón gốc”. Và lá rụng thì cũng chỉ rụng về cội. Cây có cội, nước có nguồn.

Ai cũng có quê hương. Tình quê sâu nặng là cái nghĩa của con người. “Lá rụng về cội” chính là sự trở về với quê cha đất tổ.

VĂN TUẤN