Chiến dịch diễn ra 3 đợt. Đợt 1 (từ ngày 1-4 đến 15-5-1972), ta nổ súng trước trên hướng thứ yếu (Đường 22) nhằm nghi binh, thu hút lực lượng địch, diệt cụm cứ điểm Xa Mát, tạo điều kiện cho các đơn vị trên hướng chủ yếu đánh trận then chốt, diệt chi khu quân sự Lộc Ninh. Đợt 2 (từ ngày 16-5 đến 10-9-1972), bao vây, cô lập Bình Long, tổ chức chốt chặn trên Đường 13 ở khu vực Tàu Ô, đánh bại các cuộc hành quân mở đường lên thị xã của địch, bảo vệ an toàn căn cứ, tuyến hành lang và vùng giải phóng. Đợt 3 (từ ngày 1-10-1972 đến 9-1-1973), kìm giữ địch ở Đường 13, chuyển trọng tâm chiến dịch xuống đánh phá bình định ở bắc Bình Dương, diệt và bức rút hàng chục đồn bốt bảo an, dân vệ, làm chủ 28 xã; đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm của địch ở khu vực Rạch Bắp-Dầu Tiếng, kết thúc chiến dịch, giải phóng một vùng rộng lớn trên hướng chiến lược xung yếu ở Tây Bắc Sài Gòn, làm thay đổi cục diện chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch của bộ đội chủ lực Miền, trong đó, nổi bật là nghệ thuật chốt kết hợp với tiến công địch ngoài công sự. Ngay từ ngày đầu, Bộ tư lệnh chiến dịch đã dựa vào thế chốt vững chắc, tiến hành các trận cơ động tiến công phá thế địch. Bộ tư lệnh chiến dịch lựa chọn Sư đoàn 7-đơn vị được ví như “cánh cửa thép” trong chiến thuật chốt trên Đường 13, tạo thế vững chắc để lực lượng cơ động của ta đánh bại cuộc tiến công của chiến đoàn 7 ở Phù Lỗ; phục kích tiêu diệt chiến đoàn 52 ở cầu Cần Lê khi chúng rút chạy về thị xã Bình Long; đẩy lùi cuộc tiến công của lữ dù 1 từ Chơn Thành lên Ngọc Lầu và phá sản cuộc hành quân ứng cứu của sư đoàn 21 địch ở Bắc Chơn Thành. Ngoài ra, Sư đoàn 7 còn phối hợp với Sư đoàn 5 tiến công cứ điểm Lộc Ninh-thực hiện trận then chốt mở đầu chiến dịch; tạo điều kiện cho Sư đoàn 9 đánh thị xã Bình Long, phá thế tiến công của địch.

Trong các trận phản kích địch trên Đường 13, dựa vào thế vững chắc của các chốt, lực lượng cơ động chiến dịch thực hành tiến công chính diện kết hợp với vu hồi vào hai bên sườn và phía sau lưng địch, khiến chúng bất ngờ, không kịp đối phó. Khi địch tháo chạy khỏi Lộc Ninh, ta tổ chức phục kích, tiêu diệt toàn bộ chiến đoàn 52 ở Cần Lê. Với việc vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, chiến đấu, ta đã tiêu diệt gọn hai cứ điểm Lộc Ninh và Xa Mát trong thời gian ngắn, chặn đứng, đánh bại các cuộc hành quân giải tỏa Đường 13 của địch.

Thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật chiến dịch tiến công trên chiến trường Nam Bộ, để lại bài học quý cần được nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

VĂN TUẤN