Lợi” là từ có nhiều nghĩa khác nhau, tùy ngữ cảnh sử dụng. Theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 741, “lợi” là phần thịt bao giữ xung quanh chân răng (cười hở lợi); cái có ích mà con người thu được khi nó nhiều hơn những gì mà con người phải bỏ ra (nguồn lợi, hợp tác hai bên cùng có lợi); lãi (mối lợi lớn); có lợi, mang lại cho con người nhiều hơn là con người phải bỏ ra (làm thế rất lợi); ít tốn hơn (lợi thì giờ).

Danh”, trang 303 được hiểu là tên người (xưng danh); tên người, về mặt được dư luận xã hội biết đến và coi trọng (hám danh, nổi danh); tên người, về mặt gắn liền với vinh dự hoặc chức vụ (mang danh đơn vị tiên tiến).

Như vậy, trong câu thành ngữ trên, “lợi” được hiểu là phần mang lại cho con người nhiều hơn phần bỏ ra. Rộng hơn, chính là phần của cải vật chất thu được, dôi ra trong quá trình lao động, sản xuất. Còn “danh” là tên người, về mặt được dư luận xã hội coi trọng biết đến.

Trong cuốn Đi tìm điển tích thành ngữ của Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2020, lý giải “bán lợi mua danh” ý nói hám danh, dùng tiền để mua danh vị và ghi lại câu chuyện, trong làng có một tên địa chủ thấy quan chánh tổng oai phong, đi đâu cũng có kẻ hầu người hạ, nói một câu mọi người đều răm rắp làm theo. Còn hắn tuy giàu có nhưng đi ăn cỗ vẫn phải ngồi mâm dưới. Hắn tức lắm. Có người khích, giàu có nứt đố đổ vách sao không bỏ ra mà mua một cái chức. Nghe vậy, tên địa chủ chuẩn bị ba vạn lạng bạc cùng mấy thẻ vàng đến gặp chánh tổng để mua chức lý trưởng.

Nhưng từ khi mua được chức lý trưởng, ngồi chiếu trên của làng, dân làng lại càng khinh tên địa chủ ra mặt, vì hắn đã dốt nát lại thích sang trọng. Người trong làng làm thơ châm rằng: “Bán lợi mua lấy cái danh/ Tuồng là những kẻ mảnh sành chiếu trên”.

VĂN TUẤN