Bước vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba, sau 4 tháng bị quân và dân ta tiến công liên tục và mạnh mẽ, quân địch nằm trong thế bị bao vây nên đã phải tính đến chuyện rút quân về nước theo hai đường thủy, bộ.

Nắm được ý đồ giặc, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quyết định đánh một trận lớn tiêu diệt đạo quân thủy của địch trên sông Bạch Đằng.

 Ngày 30-3-1288, dưới quyền chỉ huy của Ô Mã Nhi, thủy quân địch bắt đầu hành quân, có các đội kỵ binh đi theo yểm hộ. Khi địch vừa rời khỏi Vạn Kiếp lập tức bị quân và dân ta chặn đánh kịch liệt. Kỵ binh của địch cũng gặp sự truy kích của ta. Do đó, kỵ binh địch đã bỏ mặc thủy quân, quay về Vạn Kiếp.

Đến chiều 8-4, tiền quân địch tới ngã ba sông Đá Bạc và sông Giá, viên chỉ huy thủy quân lệnh cho Phàn Tiếp đem một bộ phận tiền quân tiến vào sông Giá thành cánh phải, bảo vệ đại quân. Những đội thuyền chiến của ta bất ngờ xuất hiện xông thẳng vào đội hình đối phương. Toàn bộ tiền quân địch bị tiêu diệt và bị bắt sống.

Khoảng giữa trưa ngày 9-4-1288, các đội thuyền thuộc trung quân địch bắt đầu tiến vào sông Đá Bạc. Đó cũng là lúc nước triều rút. Ô Mã Nhi ra lệnh cho các đạo trung quân lao nhanh theo nước triều. Lúc đó, từ sông Giá, từng đội thuyền chiến lớn của Đại Việt xuất hiện. Trận đánh cuối cùng diễn ra chớp nhoáng. Toàn bộ 8 vạn quân địch bị tiêu diệt và bắt sống, 400 thuyền chiến bị đắm và bị ta chiếm. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và nhiều tướng lĩnh bị bắt.

Bàn về những bước phát triển nghệ thuật quân sự của trận đánh, cuốn “Bách khoa tri thức Quốc phòng toàn dân” tổng kết: Đạo quân thủy của địch được chọn làm đối tượng tiến công trước và chủ yếu là một quyết tâm rất chính xác. Vì so với đạo bộ binh chủ lực, thì số lượng ít hơn, không giỏi chiến đấu bằng và phải tốn nhiều công sức xây dựng. Quãng sông Bạch Đằng, nơi được chọn làm địa điểm tác chiến là một khu vực hiểm yếu, có đủ những điều kiện cần thiết đáp ứng được yêu cầu bố trí một trận mai phục trên sông với quy mô lớn. Quân ta đã vận dụng nghệ thuật tác chiến đỉnh cao như tìm cách cô lập hoàn toàn đạo quân thủy với đạo bộ binh chủ lực, tách rời kỵ binh đi yểm hộ và dần dần đưa đạo quân thủy này từng bước lọt vào đúng trận địa mai phục, theo thời gian đã được dự định. Chiến thắng Bạch Đằng còn là kết quả của sự phối hợp tác chiến hiệu quả cao giữa thủy quân và bộ binh, giữa quân chủ lực với các đội dân binh, giữa các lực lượng tham chiến với nhau về thời gian và không gian; đồng thời, thể hiện tài năng thao lược của vị Tổng chỉ huy thiên tài quân sự Trần Hưng Đạo.

VĂN TUẤN