Theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 841, “néo” là dụng cụ dùng để kẹp đon lúa đập lấy thóc, làm bằng hai đoạn tre hay gỗ nối với nhau bằng sợi dây bền: Tra lúa vào néo; dụng cụ gồm một vòng dây bền, chắc, lồng vào một đoạn tre hoặc gỗ, dùng để xoắn chặt các vật vào với nhau; buộc chặt, chằng chặt, thường bằng cái néo: Néo hai, ba cây gỗ làm bè...

Cái “néo” là dụng cụ vận dụng lực cộng hưởng để gò buộc chặt các vật lại. Khi dùng lực quá sức, dây néo có thể bị đứt. Sử dụng hình ảnh cái “néo” đứt dây vì cố kéo, tác giả dân gian ví von đến hành động, thái độ thái quá, cố tình làm căng; gay cấn, không chịu nhân nhượng dẫn đến hỏng việc.

Theo Giáo sư Nguyễn Lân giải thích trong cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, trang 181, “già néo đứt dây” có nghĩa là làm găng quá hoặc đòi hỏi quá cao thì không đạt kết quả.

Trong cuốn "Đi tìm điển tích thành ngữ" của Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2020 có ghi lại câu chuyện, một hôm, cái “néo” tự khoe khoang rằng, mình đây hình dạng đơn giản, chỉ cần hai thanh tre, buộc dây hai đầu, thế mà có sức mạnh vô cùng. Đống lúa to chỉ cần ngoạm một lúc là hết.

Con người nghe thấy vậy mới bảo, “néo” sinh ra là do sáng kiến của con người. “Néo” khỏe, mạnh là do tay người khéo siết lại, rồi lại vặn, xoắn. Nghe vậy “néo” không phục, còn dương dương tự đắc, “néo” chắc “néo” bền làm nên mọi chuyện.

Một lần vào vụ, “néo” làm việc quá nhiều nên dây bị rão ra, tra một đụn lúa to, siết căng dây quá nên dây néo đứt kêu “bịch...” làm bung đụn lúa ra.

Lúc đấy con người mới trách: Già néo đứt dây!

VĂN TUẤN