Dịch nghĩa: “Làm người có nết hiếu đễ mà lại ưa thích xúc phạm đến bậc trên, ít có vậy. Không ưa thích xúc phạm đến bậc trên mà lại thích làm loạn, điều đó chưa hề có. Người quân tử chuyên chú vào gốc; gốc lập thì đạo sinh. Nết hiếu đễ phải chăng là gốc của đức nhân?”.

Bàn về “hiếu đễ”, trong quyển “Tứ thư bình giải”, Nhà xuất bản Tôn giáo, trang 13 luận giải, nết “hiếu đễ” là đức hạnh khởi đầu của con người sống trong gia đình; là lòng tôn kính và làm vui lòng cha mẹ; là sự thuận thảo, nhường nhịn đối với anh chị. Trong gia đình, cha mẹ, anh chị là bậc trên. Một người có nết "hiếu đễ" hẳn là không xúc phạm đến cha mẹ, anh chị mình. Người ấy đã không xúc phạm đến bậc trên trong gia đình thì hiếm khi có ý muốn xúc phạm đến những người bên ngoài xã hội. Đã không có ý muốn xúc phạm đến người khác hẳn là người ấy không bao giờ gây ra những sự náo loạn, trong nhà cũng như ngoài xã hội. Như thế, sự ổn định trong gia đình có liên hệ mật thiết với sự trị an của đất nước. Đó là lẽ nhất quán hợp lý, xuyên suốt trong ngoài.

Vì vậy, người quân tử ở vai trò trị nước hay giáo dục phải chuyên chú vào cái gốc; đó là duy trì nết “hiếu đễ” cho con người từ những bài học đầu đời. Hiếu đễ được thành lập và đề cao thì bao nhiêu đức hạnh khác sẽ phát sinh từ đấy. Mọi đức hạnh của con người được đạo Nho quy chiếu về đức nhân. Thành tựu đức nhân mới là con người đích thực (nhân giả, nhân dã).

Cho nên nết “hiếu đễ” phải được coi là gốc của đức nhân.  

VĂN TUẤN