Tìm trên Google, trong 0,26 giây tra được 199.000.000 kết quả sử dụng “sát nhập”; trong 0,34 giây tra được 12.400.000 kết quả sử dụng “sáp nhập” nên không ít người phân vân không biết từ nào đúng, từ nào sai?

Theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, trang 1.074, “sáp nhập” là nhập vào với nhau làm một (thường nói về các đơn vị tổ chức hành chính). Sáp nhập hai tỉnh làm một. Sáp nhập thêm mấy xã vào thành phố...

Thực tế hiện nay tồn tại song song hai cách viết và từ điển cũng ghi nhận cả hai. Tuy nhiên, xét nghĩa từ nguyên thì "sáp nhập" mới chính xác. Bởi vì theo như giải thích trong “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, trang 1.074, “sát” là (có tướng số) làm chết vợ, hay chồng: Có tướng sát chồng. Số anh ta sát vợ; có khả năng tựa như trời phú, đánh bắt được chim, thú, cá... dễ dàng: Đi câu sát cá; gần đến mức như tiếp giáp, không còn khoảng cách ở giữa: Tủ kê sát tường; có sự tiếp xúc, theo dõi thường xuyên, nên có những hiểu biết kỹ càng, cặn kẽ về những người nào đó, việc gì đó: Theo dõi sát phong trào; (kết hợp hạn chế), ở trạng thái bị dính chặt một cách tự nhiên, khó bóc ra: Trứng bị sát vỏ, khó bóc; theo đúng những yêu cầu của một thực tế khách quan nào đó, không sai chút nào: Tính toán rất sát. Dịch sát nguyên bản; rất cạn khi thủy triều xuống: Đi bắt cá khi nước sát.

Còn “nhập”, trang 903, là đưa vào, nhận vào một nơi để quản lý, trái với xuất: Nhập tiền vào quỹ; đưa hàng hóa từ nước ngoài vào: Những mặt hàng cấm nhập; vào, tham gia vào một nhóm, một tổ chức, một cộng đồng, trở thành một thành viên: Nhập quốc tịch Việt Nam; hợp chung lại thành một khối, một chỉnh thể: Nhập các xã nhỏ thành một xã lớn; bí mật và bất ngờ tiến vào nơi nào đó: Nhập vào sào huyệt của phỉ...

Theo “Việt Nam tự điển”, Hội Khai trí Tiến Đức, 1954, trang 483, “sáp” là chất mềm và dẻo, sắc vàng lấy ở tổ ong ra: Dẻo như sáp ong; rít, tắc, trệ: Làm văn, tứ sáp nghĩ không ra; khó khăn, cực nhọc, không được trơn tru, trôi chảy: Khổ sáp; nhập vào nhau: Hai làng sáp làm một.

“Sáp nhập”, nói về đem chỗ này nhập chỗ khác: Lấy hai tổng ở huyện này đem sáp nhập huyện kia.

“Sát”, giáp liền vào, sít tới: Ngồi sát nhau; giết: Cố sát, ngộ sát; xét: Quan sát, khảo sát.

Do vậy, dùng từ “sáp nhập” hay “sát nhập” đều chấp nhận được. Tuy nhiên, dùng "sáp nhập" đúng với nghĩa từ nguyên hơn.

VĂN TUẤN