Như vậy, trong tiếng Việt, dù là danh từ hay động từ thì từ “lễ” cũng đều có nhiều nghĩa khác nhau, tùy vào hoàn cảnh sử dụng. Khi bàn về phẩm cách của con người, “lễ” là một phẩm chất, tính cách cao quý để đánh giá một con người.

Đức Khổng Tử nói: “Quân tử bất trọng tắc bất uy, học tắc bất cố; chủ trung tín, vô hữu bất như kỷ giả; quá tắc vật đạn cải”. Dịch nghĩa: “Người quân tử không trang trọng thì không có uy, sự học sẽ không vững vàng; nhắm vào sự trung tín, không kết bạn với kẻ chẳng giống như mình; có lỗi lầm thì đừng ngại sửa đổi”. Bàn về câu nói trên của Đức Khổng Tử, trong quyển “Tứ thư bình giải”, Nhà xuất bản Tôn giáo, luận giải: “Trang trọng là dáng vẻ thể hiện của một con người sống theo lễ. Lễ chi phối mọi sinh hoạt của người đó, bao gồm cả các động tác đi, đứng, nằm, ngồi, cách ăn uống, nói cười... Lễ là sự tụ hội những điều tốt đẹp tự nhiên hợp với đạo”. Có câu: “Gia hội túc dĩ hợp lễ” (Gom góp mọi điều tốt đẹp đủ để cho hợp với lễ). Nói một cách cụ thể, “lễ” là những khuôn phép, mẫu mực cần thiết tạo thành các thuần phong mỹ tục để tiết chế, điều hòa tình cảm, cử chỉ, hành vi của con người. Người nào sống theo “lễ” thì tự nhiên thân thể sẽ toát ra một dáng vẻ trang trọng khiến người nhìn thấy phải kính nể, quý mến, do đó mà có uy nghi. Con người đã sống theo “lễ” ắt là có lòng tự trọng, tức là không tự hạ thấp giá trị của mình, không tỏ ra hèn kém, bạc nhược.

Như thế, trong sự trang trọng do “lễ” tạo nên có bao hàm cả sự tự trọng. Sự trang trọng và sự tự trọng do “lễ” có một nguồn cội sâu xa là niềm tin vào đạo đức và sống trong đạo đức. Do đó sự trang trọng tạo nên uy nghi một cách tự nhiên, không cần phải làm bộ, làm dáng một cách giả dối, kệch cỡm. Học làm người mà không trang trọng thì không có uy đã đành; ngoài ra, không trang trọng tức là sinh hoạt không đặt căn bản trên lễ, không có nguồn cội ở đạo đức thì sự học vấn sẽ thiếu cơ sở vững vàng. Thiếu cơ sở vững vàng tức là thiếu chân lý chủ đạo, sự học chỉ là thu gom những mớ kiến thức bồng bềnh, tạp loạn, nhất thời, đúng ít, sai nhiều...

 VĂN TUẤN