Tìm hiểu nguồn gốc Hán Việt, chữ “uy” có nội hàm rộng hơn. Trong cuốn “Hán Việt từ điển”, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, năm 2005, trang 887, “uy”: Tôn nghiêm-sợ hãi-hình pháp. Trang 888, “uy tín” là có uy quyền mà được người ta tín nhiệm.

Vào thời Xuân Thu-Chiến Quốc, Thương Ưởng-nhà chính trị nước Tần muốn thực thi cải cách toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội... nhưng hoàn cảnh lịch sử lúc đó chiến tranh liên miên, lòng người bất ổn.

Để tạo uy tín cho thực thi các thay đổi được thực hiện một cách thuận lợi, Thương Ưởng hạ lệnh cho dựng cây cột gỗ dài ba trượng ở cửa thành phía Nam, đồng thời dán cáo thị: “Ai có thể bê cây gỗ chuyển sang phía Bắc sẽ được thưởng mười lượng vàng”. Ban đầu những người xem không tin rằng làm một việc đơn giản như thế lại được thưởng cao đến vậy. Chắc có uẩn khúc gì nên không ai đến thử. Thấy vậy, Thương Ưởng bèn nâng tiền thưởng lên 50 lượng. Một người dũng cảm đứng ra bê cây gỗ chuyển đến cửa thành phía Bắc, lập tức được Thương Ưởng thưởng cho người đó 50 lượng vàng. Hành động của Thương Ưởng làm người dân tin tưởng vào lời nói của ông, hình thành nên uy tín trong lòng mọi người. Vậy là kế hoạch của Thương Ưởng được thi hành rộng rãi, thuận lợi. Nước Tần ngày càng trở nên hùng mạnh, cuối cùng đã thống nhất được Trung Quốc.

Nếu như Thương Ưởng “dựng cột gỗ để tạo lòng tin” thì trước đó hơn 400 năm, Chu U Vương lại dựng vở kịch “đốt lửa trêu chư hầu” đã dẫn đến hại mất nước, sát thân.

Đát Kỷ là thiếp yêu của Chu U Vương. Để giành được nụ cười của nàng, U Vương đốt lửa tại 12 ngọn tháp báo hiệu xung quanh kinh thành (đây là tín hiệu cầu cứu các nước chư hầu khi bị giặc tấn công). Thấy lửa hiệu các nước chư hầu ùn ùn kéo quân đến phát hiện ra chỉ là trò đùa của U Vương gây cười cho Đát Kỷ nên nổi giận ra về. Năm sau, quân địch tấn công, U Vương lại cho đốt lửa hiệu, nhưng lần này, các nước chư hầu không động binh vì họ cho rằng chắc cũng là trò đùa của U Vương. Kết quả, kinh thành bị thất thủ, U Vương bị ép treo cổ tự tử. Đát Kỷ bị bắt làm tù binh.

Một lời nói của Thương Ưởng đáng giá nghìn vàng, bởi vậy mới có thể tạo lập uy tín trong lòng dân tạo nên sự nghiệp lớn, còn U Vương lại đem chữ tín ra làm trò đùa nên bị diệt vong. Tăng Tử nói: “Người nói mà không giữ lời thì hành động không có kết quả”. Một người muốn giữ chữ tín thì lời nói và hành động phải thống nhất mới làm người khác tin phục.

VĂN TUẤN