Hành vi như thế là một biểu hiện thiếu khiêm tốn, không biết tôn trọng người khác. 

Tìm hiểu chiết tự từng thành tố trong câu thành ngữ, theo cuốn “Hán Việt từ điển giản yếu”, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, năm 2009, trang 156, “dương” có nhiều nghĩa, gồm: Khí dương, đối với khí âm-mặt trời; dậy lên, cất lên-khen ngợi-rõ rệt; một loại cây hơi giống cây liễu; gió bốc lên-chim bay đi-nói to mà mau; con dê; biển-tục gọi ngoại quốc là dương; giả trang.

Như vậy, có thể hiểu “dương” trong “dương dương tự đắc” là dậy lên, cất lên-khen ngợi-rõ rệt.

“Tự” trang 637, được hiểu là: Mình, tự thân mình, từ đó, bởi vì; chữ-tên chữ của người; tường vách hai bên sảnh đường-vị thứ-trường học ngày xưa-một thể làm văn-bài tựa đầu sách. “Tự” trong câu thành ngữ này là tự thân mình. “Đắc” trang 175, được giải nghĩa là: Được có, thích hợp, có thể. Như vậy, nghĩa đen của câu thành ngữ này là “tự đắc ý về sự viên mãn của mình”.

Như vậy về nghĩa đen và nghĩa bóng của câu thành ngữ khá gần nhau.

Giáo sư Nguyễn Lân giải thích trong cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, trang 137, “dương dương tự đắc”: Ý chê những kẻ kiêu ngạo lên mặt với thiên hạ.

Trong cuốn “Thành ngữ điển cố Trung Hoa” tập 2, Nhà xuất bản trẻ, năm 1994 có kể lại một điển tích, thời Xuân Thu, Sở Võ Vương có người con tên gọi Khuất Hà. Một lần, Võ Vương sai Khuất Hà thống lĩnh quân đi đánh nước Giảo. Ông dùng mưu đánh bại quân địch. Từ đó, Khuất Hà tự nghĩ không còn ai bằng mình nên tỏ ra kiêu ngạo, tự mãn.

Chẳng bao lâu, Sở Võ Vương lại sai ông đi đánh nước La. Lúc xuất quân, Khuất Hà kênh kiệu tự mãn tuyên bố, chỉ cần một trận ra quân là thu thắng lợi ngay. Thấy thái độ của Khuất Hà, đại phu Đấu Bá Tí thở dài than: "Khuất Hà dương dương tự đắc, ngạo mạn, sẽ không am tường phương pháp tác chiến. Lần này hẳn phải thua".

Quả nhiên ra trận, đoàn quân của Khuất Hà thất bại. Toàn quân bị giết sạch. Khuất Hà cũng phải thắt cổ tự vẫn.

VĂN TUẤN