Bằng những từ ngữ dân dã, mộc mạc, câu thành ngữ gửi gắm triết lý sâu sắc. Theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 393, “đi” là di chuyển đến chỗ khác, nơi khác để làm một công việc, một nhiệm vụ nào đó. Trang 571, “học” là thu nhận kiến thức, luyện tập kỹ năng do người khác truyền lại. Như vậy, ở lớp nghĩa đầu tiên, có thể hiểu ngay câu thành ngữ muốn nhắn nhủ mỗi người rằng, khi bước chân vào thực tế xã hội để khám phá, trải nghiệm thì sẽ thu nhận, tích lũy được kinh nghiệm, kiến thức bổ ích cho bản thân. Đồng thời cũng nhắc nhở, để có thêm hiểu biết, cần phải học từ cuộc sống, không chỉ giới hạn trong sách vở và trường học. Kinh nghiệm thực tế là nguồn tri thức quan trọng, hãy mở rộng tầm nhìn bằng cách bước ra xã hội.
Theo quyển “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin năm 2000, trang 256, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, đi đây đó thì mở rộng tầm hiểu biết, khôn ngoan từng trải.
Trong thời đại 4.0-bùng nổ thông tin như hiện nay, có nhiều người cho rằng lên internet tìm kiếm thì có thể dễ dàng biết thông tin cả thế giới. Điều đó không sai. Chúng ta không phủ nhận nguồn kiến thức vô tận từ internet. Tuy nhiên, kiến thức trên internet cũng giống như kiến thức trong sách vở, đó mới chỉ là thông tin sơ cứng được thu thập, truyền tải qua lăng kính, góc nhìn của người khác. “Đi một ngày đàng” sẽ giúp mỗi người chọn lọc điều hay để "học", tránh được những điều xấu. Quan trọng hơn là những chuyến “đi” sẽ giúp mỗi người có những cảm xúc, trải nghiệm để hiểu rõ hơn về cuộc sống. Đây chính là sự khác biệt giữa việc “học” thông qua sách, báo, mạng xã hội và việc trực tiếp nhìn nhận, đánh giá sự việc.
Kinh nghiệm luôn được đúc rút từ những trải nghiệm thực tế cuộc sống, từ những chuyến đi. Việc đi nhiều, tìm hiểu thực tế đời sống không những bổ sung kiến thức mà còn giúp mỗi người nâng cao khả năng tư duy thực tế, kỹ năng để tự tin xử lý những tình huống phát sinh trong cuộc sống.
VĂN TUẤN